5 tháng 6, 2011

TẠI SAO HOA LẠI ĐẸP?



Vào những năm 1930, hoạ sĩ người Mỹ Georgia O’Keefe từng viết: “Kinh nghiệm của tôi sẽ có gì nếu hoa không có màu sắc?”. O’Keefe là họa sĩ rất nổi tiếng với những bức tranh sơn dầu cận cảnh về cánh hoa và nhị hoa đầy màu sắc sống động.
Mọi người yêu hoa vì màu sắc, bố cục, kiểu dáng và hương thơm của chúng. Nhưng liệu có phải việc làm hài lòng đôi mắt đam mê của con người chính là mục đích của tự nhiên nằm trong kiểu dáng mỗi loài hoa?
Claude de Pamphilis, nhà sinh học về tiến hoá thực vật tại bang Pennsylvania đồng thời là nhà nghiên cứu chính của Dự án hệ gen thực vật, nhấn mạnh quyền ưu tiên hàng đầu của thực vật chính là sự sinh tồn. Pamphilis nói: “Vẻ đẹp của hoa là sản phẩm phụ giúp chúng lôi cuốn côn trùng thụ phấn. Những nét đẹp mà chúng ta ngưỡng mộ ở hoa là chỉ dẫn cho côn trùng thụ phấn, giúp nói với chúng rằng có những phần thưởng dành cho chúng trên bông hoa”.
Mùi hương, màu sắc và kích cỡ bông hoa tất cả đều thu hút rất nhiều loài côn trùng thụ phấn, trong đó có hàng ngàn loài ong mật. ong bắp cày, bướm, sâu bướm và bọ cánh cứng. Bên cạnh đó còn có một số loài động vật có xương sống như chim và dơi.
Côn trùng biết bay bao gồm rất nhiều loài thụ phấn. Chúng đậu trên những bông hoa để ăn mật và thu nhặt phấn hoa. Rồi chúng phân phát phấn hoa bằng cách ghé thăm những bông hoa khác. Theo Pamphilis, côn trùng thụ phấn đang cung cấp cho thực vật một dịch vụ tối quan trọng mà thiếu dịch vụ đó chúng không thể sinh sản”.
Để giúp côn trùng tìm được mật hoa và phấn hoa, rất nhiều cây có hoa đã tiến hoá để sở hữu những màu bắt mắt (chim ruồi và bướm vốn thích hoa màu đỏ và vàng). Một số dấu hiệu chỉ đường đến chỗ mật hoa chỉ có thể thấy được dưới tia cực tím - một quang phổ ánh sáng loài ong có thể nhìn được còn con người thì không. Từ đôi mắt của loài ong, những màu sắc và hoạ tiết trên cánh hoa dưới tia UV đã thông báo cho chúng nơi cất giấu mật hoa và phấn hoa.
Ong & hoa mai
(Photo: Comaihoa)

Hoa văn trên những bông hoa mà cả con người và động vật thụ phấn có thể thấy được (ví dụ như những đường kẻ sọc trên cánh hoa) đóng vai trò như một hệ thống kiểm soát giao thông hàng không cho những chú ong, giúp hướng chúng đến chỗ phấn hoa và mật hoa nằm ở trung tâm. Nhờ có đặc điểm đồng tiến hoá giữa hai loài mà ong có thể ghé thăm nhiều loại hoa và thụ phấn cho một số lượng lớn thực vật.
Một số loài hoa, ví dụ như cây dẻ ngựa hoặc hướng dương, lại biến đổi màu sắc dưới quang phổ tia cực tím trong suốt vòng đời. Như Phamphilis giải thích, đối với động vật thụ phấn, những thay đổi này là những dấu hiệu thấy được cho chúng biết bông hoa đang có nhiều hay đang thiếu mật. Những dấu hiệu đó sẽ thông báo rằng: “Hãy đến thăm tôi” hoặc “Đừng làm phiền”.
Để tìm hiểu sâu hơn về sự tiến hoá của mối quan hệ giữa động vật thụ phấn và hoa, Pamphilis và đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp lập trật tự ADN đi sâu vào lịch sử tiến hoá các loài hoa. “Những gì chúng tôi đang cố làm là suy luận theo một cách chi tiết, dựa trên cơ sở di truyền về những đặc điểm của những thực vật có hoa đầu tiên”.
Theo những hoá thạch thu được, những bông hoa đầu tiên nở rộ vào khoảng 125 đến 140 triệu năm trước. Pamphilis đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao chỉ với những bông hoa đầu tiên đó mà sinh ra hàng ngàn giống hoa khác nhau chúng ta thấy trong tự nhiên bây giờ? Có thể bản đồ gen sẽ giải thích được phần mở đầu của câu chuyện này”.
Trong khi hầu hết các loài hoa đối với con người đều đẹp và có hương thơm dễ chịu, một số loài lại phát triển những phương thức dẫn dụ động vật thụ phấn của chúng theo cái cách mà con người không thể chịu đựng được. Loài Rafflesia sinh sống ở Indonesia chẳng hạn, theo các chuyên gia thì đây là loài hoa lớn nhất thế giới, nó to đến tận 3 fit. Ngoài cái dáng thẳng đứng của nó, hoa Rafflesia còn nổi bật với mùi hương giống như mùi thịt thối. Mặc dù có cái mùi xác chết kinh khủng, nhưng hoa Rafflesia arnoldii lại có sức lôi cuốn không thể cưỡng lại được với những con ruồi - loài côn trùng thụ phấn đặc biệt của chúng.
Có thể chúng ta sẽ phải băn khoăn tại sao Georgia O’Keefe, người tạo ra nghệ thuật từ những bông hoa xinh xắn và sọ động vật bằng thạch cao, lại có thể vẽ được những bức tranh về loài hoa xấu xí nhưng thật khó quên này.

Trà Mi (Theo Physorg)

2 nhận xét:

  1. 10 loại cây có chất độc hàng đầu thế giới
    Thoạt nhìn trông những loại cây này rất lôi cuốn, khiến bạn sờ vào khi ngắm nhìn chúng. Thế nhưng, trong số chúng, một số loài có thể khiến bạn bị đau đầu, co giật, rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí gây chết người nếu vô tình chạm vào hay ăn phải.
    Hoa Thủy tiên

    Thủy tiên là một nhóm cây dạng thân hành cứng, chủ yếu ra hoa vào mùa xuân. Tuy nhiên, những bông hoa màu vàng rực trông xinh xắn này lại chứa nhiều độc tính, nếu chẳng may bạn ăn phải với số lượng lớn. Đã có nhiều người lầm tưởng chúng với củ hành. Một số triệu chứng thường gặp như: chóng mặt, nôn mửa, co giật và tiêu chảy.
    Hoa đỗ quyên

    Những bông hoa đỗ quyên hình chiếc chuông màu đỏ trông rất bắt mắt và thật hấp dẫn khi mùa xuân về. Thế nhưng lá và mật hoa của loại cây này lại rất độc. Chẳng may ăn phải những chiếc lá xanh của chúng sẽ môi của bạn sẽ bị phỏng rộp, tiếp theo là chảy dãi, nôn mửa, tiêu chảy và ngứa nhức trên da. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau đầu, suy yếu cơ bắp, mờ mắt. Nhịp tim giảm mạnh hay đập loạn xạ. Bạn có thể rơi vào tình trạng hôn mê hoặc co giật chết người.
    Cây họ Ficus

    Một số loài cây thuộc chi Ficus như: si, sanh, sung, đa lông, trâu cổ, bồ đề… có chung đặc điểm là loài lá rủ hoặc loài lá nhỏ có mủ. Có khoảng 800 loài thuộc chi Ficus, hầu hết chúng đều có nhựa trắng độc trong lá và thân cây. Rất nhiều loài Ficus được trồng làm cảnh trong nhà hoặc ngoài trời. Có loài có thể mọc cao tới 23 m. Điều tệ hại nhất là một số có thể khiến da bạn ngứa và sưng phồng lên.
    Cây trúc đào

    Không giống như các loại cây khác là chỉ có độc ở hoa và nhựa cây, ở cây trúc đào, mọi phần trên thân cây đều có độc. Thậm chí chỉ cần vô tình hít phải khói độc khi cây bị đốt cũng gây ra rắc rối. Nếu sử dụng cành cây để xỉa răng, hoặc uống phải nước mà bông của chúng rơi vào trong ấy cũng gây ra vấn đề. Các triệu chứng thường xảy ra là tim đập nhanh loạn xạ hoặc giảm hẳn đi.
    Hoa cúc

    Những bông hoa với sắc vàng hoặc cam này thường được trồng trong các chậu làm cảnh trước cửa nhà. Có khoảng 100-200 loài cúc, chúng thường mọc thấp dưới mặt đất nhưng cũng có loài mọc thành bụi cao. Tuy nhiên, phần trên cùng của hoa cũng có thể gây độc nhẹ cho con người. Dù không gây hại lớn, nhưng chúng có thể khiến bạn bị ngứa nhẹ và thở dốc.
    Hoa hồng môn

    Lá và những bông hoa đỏ tươi của loài hồng môn có hình trái tim này có độc tính. Ăn phải loài thực vật nhiệt đới này sẽ khiến bạn cảm giác đau nhức cả miệng, tiếp đến là sưng và phỏng rộp. Giọng của bạn cũng bị khàn và bạn sẽ nuốt khó. Hầu như các triệu chứng này sẽ giảm dần nhưng nếu được hỗ trợ bằng ly nước mát, thuốc giảm đau, thảo dược hay thực phẩm… cơn đau của bạn sẽ được giảm nhẹ hơn.
    Hoa lan chuông

    Nhìn những bông hoa hình chuông nhỏ xíu màu trắng rủ xuống trông thật quyến rũ, ấy vậy mà lại mang đầy độc tính. Chất độc có ở mọi nơi, từ đỉnh của hoa cho tới vùng nước mà chúng nằm ở đó. Nếm thử một chút hoa lan chuông sẽ không gây hề hấn gì, nhưng nếu ăn nhiều, bạn có thể bị nôn nửa, đau miệng, đau bụng, tiêu chảy và bị co giật. Tim bạn cũng bị loạn nhịp.
    Cây tú cầu

    Những bông hoa hình khối tròn màu hồng tím hoặc xanh trắng này thường được dùng để trang trí trong nhà, chúng có thể cao tới 4,5 m. Nhưng những khối hoa rực rỡ này có thể khiến bạn bị đau bụng vài giờ liền sau khi ăn. Người bệnh có thể bị ngứa da, nôn mửa, suy yếu và toát mồ hôi. Một số còn bị hôn mê, co giật và ngừng lưu thông máu.
    Cây mao địa hoàng

    Đây là loài hoa trông bí ẩn có thể mọc cao tới 1 m với những bông hoa màu trắng, hồng tím nhạt rủ xuống, đôi khi có nhiều chấm bên trong. Nếu bạn ăn bất cứ phần nào của loài hoa này, bạn cũng dễ bị mắc phải vấn đề về tim sau khi đã bị nôn mửa, co giật, tiêu chảy và đau miệng.
    Cây đậu tía

    Cây hoa tạo nên những chuỗi bông giống quả đậu rủ xuống với các bông màu tím, hồng hoặc trắng. Toàn bộ cây hoa này đều có độc, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hoa của đậu tía là không độc. Ăn phải chúng sẽ gây ra nôn mửa, co giật, tiêu chảy.
    Hồng Hà (theo Live Science)

    Trả lờiXóa
  2. Các bài viết tham khảo:
    - Một số loại cây, hoa, lá có độc tính
    - Cẫn thận kẻo đụng phải cây “cỏ heo”có chất độc

    Trả lờiXóa