6 tháng 9, 2011


Người có duyên với đá

 Đá cảnh là nghề chơi nhọc công, giới sưu tầm nhiều khi phải băng rừng, vượt ngàn tìm đá. Nhưng những hòn đá lạ đến với ông Nguyễn Trường Thăng (Hội An, Quảng Nam) lại rất tình cờ như mối lương duyên sẵn có.
Hòn đá Văn Cao nặng khoảng chục ký, chiếm vị trí trang trọng trong bộ sưu tập của ông Thăng. Có cả chục cách nhìn ngắm theo cảm nhận riêng của từng người khi sắp đặt hòn đá theo nhiều hướng khác nhau. Nhúng chiếc khăn ướt, ông Thăng cẩn thận lau chùi, đánh bóng, dưới ánh sáng, từng đường vân xanh đen chạy loằng ngoằng trên bề mặt đá. Mái tóc bồng bềnh, gương mặt khắc khổ y hệt nhạc sĩ Văn Cao.



“Vài năm sau, một dịp tình cờ tôi phát hiện trong một trang sách Âm nhạc lớp 4 có hình vẽ nhạc sĩ Văn Cao của họa sĩ Triệu Khắc Lễ - nguyên Hiệu trưởng trường CĐSP Nhạc - Họa trung ương, trông cứ như vẽ ra từ hòn đá của tôi” - ông Thăng tiếp tục câu chuyện thú vị. Sự hội ngộ tình cờ giữa một họa sĩ, một nghệ nhân và… một hòn đá tưởng như vô tri vô giác đã xuất hiện hàng ngàn, hàng triệu năm trước đã mang về cho ông Thăng tác phẩm đoạt giải bạc Hội hoa xuân TP Đà Nẵng năm 2001.
Chơi đá hơn 10 năm qua với “gia tài” vài trăm hòn đá, ông Thăng nâng niu nhất là “Hòn đá Văn Cao”. Ông kể: “Năm 2000, một người bạn mang đến hòn đá có hình thù lạ lẫm, màu vân xanh đen rất đẹp và bảo cần tiền để mua bonsai. Tôi có cảm giác rất quen thuộc với hòn đá này, ngắm một hồi, tôi buột miệng kêu lên: “Ông Văn Cao đây mà!”. Khi ấy, bạn tôi cũng không nhìn ra được... ông Văn Cao, nên tôi mới mua được hòn đá duyên số ấy”.

Còn tác phẩm Kazik và vua Chàm lúc đầu chỉ là một hòn đá nặng 3 người khiêng được mua lại với giá rẻ. Chỉ có “con mắt xanh” của giới mộ điệu mới phát hiện được và nhìn ra gương mặt của kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski xồm xoàm râu tóc bạc (Kazimierz Kwiatkowski sinh năm 1944, mất năm 1997 tại Hội An, là người có công phát hiện, khởi xướng việc nhìn nhận, tôn vinh giá trị đô thị cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới) và ở góc khác là gương mặt của một vị vua Chàm đội vương miện, cằm bạnh, đeo bông tai to.
Có lần, linh tính mách bảo ông mua một hòn đá gai góc và cực kỳ xấu xí. Tuy nhiên, lật tới lật tui, đặt ngang đặt dọc, ông vẫn không hiểu mình mê hòn đá ở chỗ nào. “Tôi bèn ngâm hòn đá vào a-xít, lập tức các chất bẩn bám trong đá bong ra, lộ ra từng vân đá đẹp và hình mặt người đang chìm đắm trong đau khổ, tôi đặt tên là Bể dâu” - ông Thăng kể và nói thêm: “Đá cảnh là cái đẹp của tự nhiên, nếu có con mắt tinh đời, tự khắc đá sẽ tìm người, không nhất thiết phải phá núi, khoét lòng sông suối mới tìm được đá đẹp”.
Bài & ảnh: Nguyễn Tú
(Thanhnien.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét