29 tháng 6, 2011

10 loài chó kỳ lạ nhất hành tinh

Chó luôn được coi là người bạn thân thiết của con người vì vậy có thể bạn cho rằng bạn đã biết hết về loài chó. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy. Dưới đây là danh sách 10 loài chó có thể bạn chưa bao giờ nhìn thấy.

1. Chó Puli


Loài chó Puli độc đáo ở những cuộn lông tự nhiên bện chặt vào nhau khiến chú chó trông như một chiếc chổi lau nhà. Các cuộn lông sẽ cứ mọc dài chạm đất nếu chủ nuôi không cắt. Tuy nhiên chính những chùm lông dày đó lại giúp nó không bị ướt và giảm đau khi bị va đập.
Những con chó rất thông minh và hoạt bát này có thể được huấn luyện để chăn cừu. Ở Hungary khoảng một nghìn năm trước đây, giá một con Puli có thể tương đương một năm thu nhập của một người chăn cừu. Các nhà khoa học hiện chưa biết loài chó Puli có nguồn gốc từ đâu. Có chứng cứ khẳng định loài chó này đã trên 6000 năm tuổi.

2. Chó không lông Xolo


Loài chó không lông Xoloitzcuintli (hay còn gọi là chó Xolo) không chỉ kỳ lạ vì làn da không có lông mà còn ở cái cổ dài, tai dơi, mắt tròn và cơ thể bóng như mỡ. Chúng đã tồn tại từ rất lâu đời và có xuất xứ từ Mêxicô. Thậm chí chó Xolo còn được những người Aztecs cổ đại tôn làm con vật thiêng.
Vì là loài chó nai không thuần chủng, chó Xolo khỏe mạnh hơn chó thường khác. Tuy nhiên loài chó này luôn phải tránh ánh nắng mặt trời và cần tắm táp thường xuyên để tránh bị cháy da hay mụn nhọt.

3. Chó sáu ngón chân Lundehund


Loài chó Lundehund Nauy có rất nhiều đặc điểm thể chất khác hẳn những loài chó khác. Một trong số đó là mỗi bàn chân của nó có 6 ngón. Hơn nữa, xương bả vai và xương cổ rất linh hoạt khiến con chó có thể giang cả 4 chân ẹp xuống đất về hai phía. Ống tai của nó cũng có thể tự động bịt lại để ngăn đất bẩn và nước xâm nhập. Nó bơi rất linh hoạt và có khả năng trèo những mỏm đá gần như dốc đứng.
Tất cả các đặc điểm này khiến chó Lundehund trở thành một giống chó săn thú vị ở Nauy; ban đầu chúng được huấn luyện để chuyên săn chim hải âu. Từng có thời kỳ chúng gần như tuyệt chủng, năm 1963 chỉ có 6 con Lundehund còn sống, tuy nhiên hiện tại loài Lundehund đã lên đến ít nhất 1500 con.

4. Chó có mào (Chinese crested)


Loài chó có diện mạo độc nhất vô nhị này hầu như luôn giành giải chó xấu xí nhất hành tinh trong các cuộc thi sắc đẹp dành cho chó. Lý do là vì cơ thể chúng không có lông chỉ trừ một chỏm trên đỉnh đầu trông như mào gà, một túm ở đuôi và một ít ở các ngón chân.
Không lông nên da chúng rất nhạy cảm và cần được bảo vệ khi ở ngoài trời. Nếu bạn muốn nuôi chó Chinese crested làm chó cảnh, bạn cần tắm táp và bôi kem dưỡng da thường xuyên để tránh cho nó bị khô da hay viêm nhiễm. Tuy có tên là chó Tàu có màu (Chinese crested) nhưng các nhà khoa học cho rằng chúng không có nguồn gốc từ Trung Quốc.

5. Chó báo leo cây Catahoula


Những con chó báo Catahoula độc đáo ở chỗ chúng có khả năng leo cây để săn con mồi. Người ta tin rằng đây là một trong những giống chó lâu đời nhất Bắc Mỹ. Khả năng săn thú tuyệt vời số một của nó được luôn được người Mỹ da đỏ ca ngợi. Giống chó này có tên theo nơi xuất xứ của nó, vùng Catahoula thuộc bang Lousiana, Mỹ. Chó Catahoula rất khỏe, có thể được huấn luyện thành chó săn, chó cảnh sát hay làm trò vui trong gia đình.

6. Chó khổng lồ Neapolitan Mastiff


Cơ thể khổng lồ dị thường của chó Neapolitan Mastiff trung bình nặng tới 70 kg và cao 0,8 mét. Thật dễ liên tưởng giống chó này với chú chó Fang trong căn chòi của lão Hagrid ở khu Rừng cấm trong phim Harry Potter.
Chó Neapolitan Mastiff từng tham gia chiến tranh trong các binh đoàn La Mã. Chúng được mặc áo giáp cắm chông sắc, rồi chạy thẳng tới chọc thủng bụng các con ngựa phía quân địch. Sau chiến tranh thế giới II, chúng gần như tuyệt chủng. Loài chó rất ít khi sủa này có thể bảo vệ gia đình rất tốt.

7. Chó sục Bedlington


Con vật dễ thương có ngoại hình như con cừu này thực ra là loài chó có tên Bedllington. Chúng có đầu hình quả lê, tai tam giác và lông xoăn như lông cừu. Vì lông ngắn, nên chúng có thể sục sạo mọi chỗ và là chó săn rất tốt.

8. Chó “sư tử nhỏ” LowChen


Loài chó này thường được gọi là những con “sư tử nhỏ”, là một trong những loài chó hiếm và đắt nhất thế giới. Chúng thường có lông dài và rất mượt mà, phần thân sau tuyệt không mọc lông. Chó LowChen rất thân thiện và thông minh.

9. Chó vẩy Bergamasco


Những con chó này có lông xoắn bện lại trông như những cái vẩy cá to tướng. Bộ vẩy này thực ra được cấu thành từ ba loại lông khác nhau rất dày và rất ấm.

10. Chó khỉ Affenpinscher


Loài chó nhỏ bé này có tên là Chó khỉ không chỉ vì diện mạo giống một con linh trưởng mà còn ở tính cách “nhặng xị” của nó nữa.
Theo Vietnamnet

28 tháng 6, 2011

Ai điếu cho thuỷ tùng

Chỉ vì một lời đồn có thể chữa được bệnh ung thư chưa có ai kiểm chứng mà từ một loại gỗ “vô danh”, cây thuỷ tùng bỗng nhiên được quan tâm săn lùng ráo riết trong thời gian qua.



Hiện cả nước chỉ còn vỏn vẹn hơn 200 cây thuỷ tùng phân bổ rải rác ở hai huyện Krông Năng và Ea Hleo của tỉnh Đắc Lắc, con số này đã và đang bị “hao mòn” đi theo thời gian. Và chắc chắn, con số này sẽ còn “mòn” thêm nữa nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Một trong 27 cây thuỷ tùng còn sót lại ở khu bảo tồn Ea Hồ. Ảnh: H.V.M
Một trong 27 cây thuỷ tùng còn sót lại ở khu bảo tồn Ea Hồ. Ảnh: H.V.M
Thuỷ tùng trị bệnh... ung thư?
Ánh mắt của ông Nguyễn Văn S - người dân ở xã Ea Ral, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắc Lắc - khựng lại một lát khi nghe tôi hỏi “trước đây nhà anh có nhiều thuỷ tùng lắm phải không?”. Giọng ông như mếu: “Là chuyện của hơn 2 năm trước”. Trước đó, thuỷ tùng (người bản địa gọi là cây thông nước) cũng chỉ tầm thường như bao nhiêu loại gỗ khác ở đây. Một hôm tình cờ, ông S vớt được mấy thân gỗ thuỷ tùng ở dưới hồ thuỷ lợi Ea Ral mang về xẻ ra làm hàng rào quanh nhà, số còn lại làm trụ tiêu trong vườn.
“Lúc đó tui chỉ biết là gỗ thuỷ tùng rất cứng, mặc dù nhẹ nhưng khi chôn dưới đất làm cọc tiêu bao nhiêu năm, nhổ lên nó vẫn còn y nguyên, không bị hao mòn như các loại gỗ khác mà thôi” - ông kể. Cho đến một ngày cách đây hơn 2 năm, sáng sớm ngủ dậy, ông S ngạc nhiên khi toàn bộ hàng rào làm bằng thuỷ tùng của mình bị trộm nhổ sạch. “Hôm đó tui tưởng người ta trộm về làm củi nên bực mình nói chỏng rằng có thiếu củi thì qua đây tao cho, làm chi phải đi nhổ hàng rào”.
Bẵng đi mấy hôm, một sáng khác, ông S tá hoả khi thấy mấy chục trụ tiêu cũng bằng gỗ thuỷ tùng của mình không cánh mà bay. “Lúc đó, dù thấy lạ, nhưng tui cứ nghĩ là người ta nhổ về làm củi đốt hoặc cùng lắm là làm lại trụ tiêu như mình thôi. Nhưng sau đó, tui chết đứng như Từ Hải khi nghe nói gỗ thuỷ tùng rất quý, có thể chữa được bệnh ung thư và hơn nữa là có người tìm về tận nhà tui hỏi mua với giá một khối lên tới 150 triệu đồng”.      
Về thông tin thuỷ tùng chữa được bệnh ung thư, ông Nguyễn Văn Kiểm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, một trong hai địa phương có thuỷ tùng ở Đắc Lắc - cho biết: Từ một loại gỗ bình thường, thuỷ tùng được nâng cấp thành hàng quý hiếm chỉ sau một đêm, khi ngày 5.6.2009, trong chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” phát trên VTV3, đáp án của một ô chữ nói rằng cây thuỷ tùng có thể chữa được bệnh ung thư cùng nhiều bệnh khác. “Ngay hôm sau (6.6), hàng trăm người dân địa phương đã đổ xô vào rừng Trâp Ksơr để đào bới, tìm kiếm gỗ thủy tùng khô cũng như chặt hạ cây tươi.
Thậm chí có người còn tìm đến tận hạt kiểm lâm để... xin một ít vỏ cây thuỷ tùng về làm thuốc chữa bệnh ung thư cho người chồng sắp chết” - ông Kiểm nói. Tình hình “nóng sốt” tương tự cũng xảy ra tại huyện Ea Hleo - địa phương thứ hai có thuỷ tùng. Từ giữa năm 2009 trở đi (cao điểm là năm 2010), mỗi ngày có hàng trăm người dân địa phương và nhiều nơi khác kéo về hồ Ea Ral với các dụng cụ chuyên dụng như bè, máy bơm khí, cưa, dây cáp, ròng rọc... để trục vớt thuỷ tùng đã chết trước đó khi địa phương chắn dòng xây đập thuỷ lợi vào những năm 1980...
Công bằng mà nói, gỗ thuỷ tùng cũng có những giá trị nhất định và lời đồn về trị bệnh ung thư chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn sốt thuỷ tùng mà thôi. Những lý do khác khiến thuỷ tùng được ưa chuộng là gỗ hiếm, có mùi thơm (nhiều người tin mùi thơm này có thể xua được muỗi và tà ma, xú uế); không bị mối mọt, cong vênh, thớ gỗ mịn, vân rất đẹp, thích hợp cho việc tạc tượng phật, độc bình, tỳ bà...
Hàng mỹ nghệ làm bằng thuỷ tùng được bày bán “bán công khai” ở xã Ea Ral.
Hàng mỹ nghệ làm bằng thuỷ tùng được bày bán “bán công khai” ở xã Ea Ral.
Nguy cơ tuyệt chủng
Thuỷ tùng có tên khoa học là glyptostrobus pensilis, có tên trong sách Đỏ thế giới và được xem như hoá thạch sống của ngành hạt trần. Thuỷ tùng chủ yếu mọc ở các vùng đầm lầy, thuộc nhóm 1A, là cây gỗ lớn, cao từ 25-30m; đường kính thân từ 1,4m trở lại. Theo tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc, loài cây này trên thế giới hiện chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và lại chỉ có ở xã Ea Ral, huyện Ea Hleo, Ea Hồ, huyện Krông Năng và rải rác một vài cây ở huyện Krông Búk của tỉnh Đắc Lắc.
Hiện tỉnh Đắc Lắc đã thành lập khu bảo tồn ở xã Ea Ral với diện tích 49ha để bảo vệ 270 cây thuỷ tùng (thời điểm thống kê là năm 2008) và khu bảo tồn Trâp Ksơr với 61,6ha để bảo vệ 28 cây thuỷ tùng (cũng số liệu thống kê năm 2008). Ngoài ra, một số cây mọc rải rác ở huyện Krông Buk, tỉnh giao cho kiểm lâm phối hợp với địa phương quản lý, bảo vệ. 
Trạm kiểm lâm xã Ea Hồ một buổi chiều giữa tháng 5. Hơi thất vọng bởi sự vắng lặng, buồn thảm và trên hết là không thấy đâu cái không khí kiểm lâm hừng hực với đầy đủ phương tiện để bảo vệ những cây thuỷ tùng như hình dung. Trạm có 3 người, nhưng hôm đó chỉ còn mỗi kiểm lâm viên Đinh Tiễn Hữu uể oải tiếp khách vì “một người xin về nhà, một đang đi tuần bảo vệ cây ngoài kia”. Thắc mắc về sự vắng lặng và uể oải, ông Đinh Tiến Hữu cười cười: “Ở đây hiện chỉ còn 27 cây thuỷ tùng và cả ba người chúng tôi phải thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ 24/24h đó chứ. Nhưng nói thiệt là những cây này hiện không ai thèm phá vì... ở trong bị rỗng ruột hết rồi, có chặt trộm về bán cũng không được bao nhiêu tiền...”.
Ở trạm kiểm lâm xã Ea Ral, tình hình có vẻ khẩn trương hơn bởi thuỷ tùng ở đây nhiều hơn và hồ Ea Ral - một trong những điểm nóng khai thác thuỷ tùng chỉ cách trạm vài chục bước chân. Bởi vậy ở đây quân số kiểm lâm đông hơn (7 người), cũng chia ca bảo vệ 24/24h, nhưng có khác bên Ea Hồ một chút là trong rừng có dựng hai cái chòi và kiểm lâm viên luân phiên ăn ngủ luôn ngoài đó cùng với chó nghiệp vụ. Ấy vậy mà hình như cây vẫn bị mất trộm.
Theo một nguồn tin giấu tên, thời điểm kiểm kê đóng số năm 2008, ở đây còn 270 cây thuỷ tùng, nhưng đến thời điểm này, số lượng thuỷ tùng còn lại thực chất chỉ gần 200 cây. “Hiện ở khu bảo tồn của mình chính xác là còn lại bao nhiêu cây thủ tùng?” - chúng tôi đặt câu hỏi với ông Trịnh Xuân Truyền - Trạm phó Trạm bảo vệ thuỷ tùng Ea Ral - nhằm kiểm chứng thông tin trên, nhưng ông Truyền (sau khi gọi điện thoại cho lãnh đạo) đã trả lời là “chúng tôi không nắm rõ”. Nhưng với câu hỏi tiếp theo: “Không nắm rõ còn bao nhiêu cây thì làm sao mà bảo vệ và lỡ có bị mất trộm thì sao biết được?”, ông Truyền lại nhanh nhảu: “Mất cái là biết liền ấy mà(!)”.         
Theo quy định thì mọi hành vi liên quan đến cây thuỷ tùng như chặt phá, khai thác, vận chuyển... đều bị xử lý hình sự. Tuy nhiên thời gian qua, sức của lực lượng kiểm lâm cũng có hạn, chính quyền địa phương ở Đắc Lắc lại có phần lúng túng, lúc mềm, lúc rắn, nên tình hình chặt phá, khai thác, vận chuyển và mua bán gỗ, thành phẩm thuỷ tùng cũng lên xuống theo “thời tiết”. Thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, chính quyền huyện Ea Hleo vừa bắt và tịch thu hơn 30m3 gỗ thuỷ tùng tàng trữ trong một nhà dân ở xã Ea Ral trước đó mấy hôm, nên mọi việc có phần im ắng.
Tuy nhiên, cũng không khó lắm để xem và mua gỗ (thậm chí cả gỗ tươi vừa mới đốn hạ có màu đỏ), cũng như các sản phẩm làm từ gỗ thuỷ tùng như tượng phật, độc bình... Có điều, giá cả bây giờ thường được “hét” gấp 7-8 lần so với thời điểm cách đây một năm do “ngày càng có nhiều người ở trong Nam, ngoài Bắc quan tâm, chính quyền ngày càng bảo vệ cây sống nghiêm ngặt và gỗ khô dưới lòng hồ đã bị khai thác cạn kiệt” như lời của bà M - một người kinh doanh thuỷ tùng ở xã Ea Ral.
Nếu như cách đây 2 năm, ba chiếc bình tỳ bà cao lần lượt 40cm, 35cm, 30cm mà bà M gọi là “thiên địa nhân” giá khoảng 300 ngàn đồng, thì bây giờ bà nói “3,5 triệu một xu không bớt”. Hoặc một tượng phật Di Lặc ngồi, cao khoảng 30cm, đường kính khoảng 20cm, năm trước giá khoảng 600 ngàn thì bây giờ hỏi mua ở Ea Ral đã có giá khoảng 3 triệu đồng. Nhưng nếu đi xa hơn vài trăm kilômét, ví dụ ở quầy bán hàng lưu niệm của sân bay Gia Lai, bức tượng tương tự như vậy được niêm giá đến 7 triệu đồng...   
Một thông tin báo động nữa là ngay từ năm 2007, các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên đã tổ chức nghiên cứu quá trình sinh trưởng của cây thuỷ tùng và kết quả cho thấy, do quần thể còn sót lại ở hai địa phương trên là quần thể nhỏ, mật độ 40-50 cây/1.000m2 nên  các hạt thuỷ tùng không nảy mầm do không thể thụ phấn được, trong khi các cá thể thuỷ tùng hiện nay đã và đang bị thoái hoá. Cũng năm đó, khoa Nông – Lâm Đại học Đà Lạt đã nhân giống thành công cây thuỷ tùng trong ống nghiệm. Tuy nhiên khi đưa chồi ra trồng ở điều kiện tự nhiên thì cây không thể sinh trưởng...
H.V.Minh - Đ.T.Kiên
(Theo Bao lao dong)

Nhiều rau dại quý như thuốc

Nhiều loại rau dại rất tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng cần biết rõ xuất xứ để đề phòng trường hợp chúng mọc trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ không an toàn cho sức khỏe


Trong khi nhiều người lo ngại về tính an toàn của các loại rau trồng trên thị trường thì câu người xưa nói “người khôn ăn rau dại” rất đáng được lưu ý. Sở dĩ như vậy là vì các loại rau dại thường có những ưu thế mà rau trồng không có được, như do mọc hoang nên ít bị ảnh hưởng của phân bón hóa học cũng như các loại nông dược; thu hái xong thường được sử dụng liền nên không cần đến những biện pháp bảo quản; đa số từng được sử dụng làm thuốc vì có ích cho sức khỏe khi được sử dụng thích hợp; hương vị đặc trưng, lạ miệng nên rất hấp dẫn. Tất nhiên đấy phải là những loại rau dại mà kinh nghiệm ông cha ta đã quen dùng.
Những rau dại thường gặp
- Rau má: Dùng ăn sống hay nấu canh đều tốt. Nếu nấu cháo thì dùng rau má tươi 100 g, đậu xanh 50 g, gạo tẻ 50 g, nấu ăn nóng với ít muối hoặc đường. Những món này đều có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, thường dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, lỵ, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy, ho, dãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu, sản phụ ít sữa...
- Chùm bao: Còn gọi là lạc tiên. Dân quê thường hái ngọn và trái, lá non dùng làm món luộc, xào, nấu canh với cá rô đồng. Những món này có tác dụng an thần, giải độc, chống dị ứng.
- Càng cua: Còn gọi là rau tiêu, mọc nhiều ở nơi ẩm thấp. Rau càng cua rửa sạch, chấm với các món kho hoặc mắm; làm gỏi bằng cách trộn với tép bạc tươi, thịt ba chỉ luộc, đậu phộng rang giã dập và rau húng quế, làm món xà lách với thịt bò, dầu giấm, trứng luộc; với cá mòi đóng hộp và hành tây…, đều là những món giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, giải khát. Tuy nhiên, lưu ý là loại rau này không thích hợp cho những người sỏi thận.
- Lá lốt: Dùng ăn sống hoặc làm gia vị nấu canh cá, chả cá, lươn, ếch, ba ba, ốc, hến… vừa tạo hương vị thơm ngon vừa khử bớt khí hàn, khí thấp của thực phẩm, giảm bớt mùi tanh, giúp tiêu thực và chống dị ứng. Lá lốt gói các loại thịt như bò, heo, vịt, cua, cá, lươn, ốc… để nướng, chiên; làm rau xào thịt bò, heo, cá, lòng gà… rất ngon miệng, bổ dưỡng.
- Dớn: Thường được dùng luộc chấm nước mắm ngon, xào,  làm gỏi…, đều có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống táo bón. Lưu ý trước khi chế biến phải trụng sơ qua với nước sôi.
- Bồ công anh: Làm rau ăn tươi, hấp chín, nấu canh hoặc nấu cháo… giúp nhuận gan, mật, giải độc, lợi tiểu, tăng cường sức đề kháng, chống loãng xương.
- Mớp gai: Nông dân thường lấy củ làm thuốc, lấy cọng xào tỏi hoặc xào với thịt bò. Những món ăn này rất có ích cho hoạt động của gan.
- Nhút: Dùng nấu canh cua, tôm… rất tốt khi cần thanh nhiệt, an thần.
- Quả bần chua: Dùng nấu canh chua có tác dụng giải khát, giải độc.
- Lá cách: Làm rau luộc ăn hoặc nấu canh có tác dụng trợ tiêu hóa, tiêu thực, nhuận gan, mật. Rắn bông súng xào lăn với lá cách, ba ba xào lá cách hoặc gà giò xào lá cách đều là những món ăn rất hấp dẫn và bổ dưỡng.
- Đinh lăng: Lấy lá làm rau ăn như rau mùi hoặc làm gỏi, bổ dưỡng mà lại chống dị ứng, giải độc.
- Ngổ: Dùng làm rau ăn giúp thanh nhiệt, lợi tiểu.
- Dấp cá: Ăn như gia vị, giúp giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận trường.
- Cải trời: Luộc, xào hay nấu canh ăn đều giúp tan đờm, bớt ho. Trong tô canh rau tập tàng của vùng đất phương Nam thường có loại rau này.

Vùng cao nguyên Trung du có món gỏi lá, gồm nhiều loại lá ăn chung với cá, thịt heo, tôm, như lá ngải cứu, mơ lông, sung, đinh lăng, xoài, ổi, cóc, lạc tiên, trai, bứa, vừng, kim cang… Món gỏi này có đủ các vị chua, cay, đắng, chát vừa ngon miệng mà lại rất tốt cho sức khỏe.
- Rau đắng đất: Ăn sống hoặc ăn với cháo cá lóc, cá rô đồng. Món này  có mùi thơm hấp dẫn, bổ dưỡng, nhuận gan và giải độc.
Lưu ý xuất xứ
Trong dân gian có câu “rau tập tàng thì ngon”. Gọi là tập tàng vì nó tập hợp nhiều loại rau khác nhau như ngót, tần ô, đay, mã đề, dền, lang, muống, cải, sam, bông bí, bông mướp, lá lốt... Nếu có một mớ rau phong phú chủng loại như thế mà luộc hay nấu canh cũng đều trở thành những món ăn cung cấp nhiều vitamin, muối khoáng, chất xơ, hoạt chất sinh học rất có ích cho sức khỏe.
Các loại rau dại mà dân gian chúng ta đã quen dùng, như đã nói, hầu hết đều tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, khi sử dụng, chúng ta cần biết rõ xuất xứ để phòng trường hợp chúng mọc trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm hoặc môi trường không khí không an toàn cho sức khỏe. Trước khi sử dụng các loại rau mọc dưới nước như muống, nhút, dừa nước, bông súng, ngó sen… cần rửa thật kỹ dưới vòi nước chảy và nấu chín để phòng ngừa nhiễm giun sán.
Lương y ĐINH CÔNG BẢY (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)

27 tháng 6, 2011

Vì sao nằm võng lại dễ ngủ?

Vì sao hễ đặt lưng lên võng là chúng ta không thể cưỡng lại giấc ngủ vừa được các nhà khoa học Thụy Sĩ lý giải.

Phân tích sóng điện não của những người ngủ võng cho thấy trạng thái đong đưa vừa giúp chúng ta mau chìm vào giấc ngủ lại vừa ngủ ngon hơn so với nằm trên giường.
Các chuyên gia Đại học Genève cho rằng trạng thái đung đưa của võng tác động lên các giác quan, giúp đồng bộ hóa hoạt động của não thành một hoạt động gắn liền với giấc ngủ. Phát hiện này cũng giúp làm sáng tỏ vì sao từ xưa đến nay, các bà mẹ thường dỗ con trẻ ngủ trên nôi hoặc trên võng.
Trước đó, 12 tình nguyện viên được yêu cầu chia thành 2 nhóm, một ngủ trưa trên võng và một ngủ trên giường. Trong suốt giấc ngủ dài 45 phút, hoạt động não của họ được theo dõi và ghi lại.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy khi nằm trên chiếc võng đung đưa nhè nhẹ, giai đoạn ngủ sâu của tình nguyện viên - thường chiếm phân nửa độ dài giấc ngủ - được tăng lên. Theo các chuyên gia, phát hiện này giúp các nhà khoa học nghiên cứu cách nâng chất lượng giấc ngủ ban đêm cũng như tìm ra cách điều trị các bệnh liên quan đến giấc ngủ như chứng mất ngủ.
Theo Báo Cần Thơ (Telegraph)

26 tháng 6, 2011

Cây linh sam... trong phổi

Khi mở lồng ngực của một bệnh nhân để tìm khối u, các bác sĩ Nga sửng sốt khi nhìn thấy một cây linh sam trong phổi của anh.



Cây linh sam cao 5 cm trong phổi của Sidorkin. Ảnh: Daily Mail.

Cây linh sam, cao 5 cm, nằm trong phổi Artyom Sidorkin - một công dân ở thành phố Izhevsk của Nga. Người thanh niên 28 tuổi thường xuyên cảm thấy đau nhói trong ngực và ho ra máu. Anh lên bàn mổ sau khi bác sĩ chẩn đoán rằng anh bị ung thư trong ngực.
Các chuyên gia cho rằng, bằng một cách nào đó Sidorkin đã hít phải một hạt linh sam. Nó chui vào phổi của anh và nảy mầm.
Ảnh chụp bằng tia X của Sidorkin. Ảnh: Daily Mail.
"Chúng tôi chụp phổi của Sidorkin bằng tia X và nhìn thấy một thứ giống như khối u. Tôi đã nhìn thấy các khối u hàng trăm lần rồi nên tôi tin chắc mình đúng. Chúng tôi quyết định tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u", Vladimir Kamashev, một bác sĩ tham gia kíp mổ, nói.


Trước khi mở lá phổi của Sidorkin, bác sĩ Kamashev đã nhìn thấy cây linh sam. Ông lắc mạnh đầu rồi chớp mắt ba lần nhưng cái cây vẫn ở đó.
"Tôi cứ nghĩ mình bị hoa mắt nên gọi một trợ lý tới xem. Anh ta cũng lắc đầu và trợn tròn mắt vì kinh ngạc", Kamashev kể.
Kamashev tin rằng Sidorkin ho ra máu vì những lá kim nhỏ xíu của cây linh sam đâm vào các mao mạch của anh.
"Tôi thường xuyên cảm thấy đau khủng khiếp trong ngực, song thật tình tôi không nghĩ rằng có một thứ từ bên ngoài chui vào cơ thể mình. Dẫu sao tôi cùng mừng vì đó không phải là khối u", Sidorkin nói.
Minh Long (theo Daily Mail)

23 tháng 6, 2011

Sinh động sự sống vòng quanh Trái đất


Cùng ngắm một vòng sự sống sinh động quanh Trái đất với những hình ảnh mới nhất của các nhiếp ảnh gia toàn cầu được đăng tải trên tạp chí National Geographic.

1. Những cánh hoa Bươm bướm, Brazil

Hàng chục loài bươm bướm khác nhau tụ tập trên bờ sông Juruena ở Brazil thuộc Công viên quốc gia Juruena rộng 2 triệu ha để nhấm nháp muối khoáng từ cát ven sông. Ảnh của Zig Koch.
Những cánh hoa Bươm bướm, Brazil

2. Hạt cà rốt qua kính hiển vi, Cộng hòa Séc

Nhìn qua kính hiển vi, những hạt cà rốt trông giống như một hạm đội phi thuyền ngoài hành tinh xù xì sắp đổ bộ xuống trái đất. 1 kg hạt cà rốt có chứa đến khoảng 900 000 hạt giống. Ảnh của Viktor Sykora.
Hạt cà rốt qua kính hiển vi, Cộng hòa Séc

3. Ếch thủy tinh, Đức

Lớp da trong suốt của con ếch thủy tinh (glass frog) dài 2,5cm này cho chúng ta thấy rõ cả nội tạng bên trong cơ thể chúng. Phổ biến ở Venezuela, ếch thủy tinh đẻ trứng trên các bụi và cành cây nhô ra bên bờ suối để giúp các con nòng nòng nở ra từ trứng sẽ rơi thẳng xuống dòng nước. Ảnh của Heidi và Hans-Jurgen Koch.
Ếch thủy tinh, Đức

4. Bào thai ngựa non nổi trong hũ lớn, Anh Quốc

Trông như một bức tượng sứ nhỏ tạc vào không trung, chiếc bào thai của con ngựa non này đang trôi trong một chiếc hũ lớn. Chiếc bào thai 85 ngày tuổi dài 14cm đã được lấy ra khỏi cơ thể mẹ và “lưu trữ” trong chất hóa học foc-man-đê-hít sau khi con ngựa mẹ thuần chủng của nó bị chết. Ảnh của Tim Flach.
Bào thai ngựa non nổi trong hũ lớn, Anh Quốc

5. Muỗi đậu trên tấm kính cửa sổ sáng xuân, Phần Lan

Một con muỗi đang đậu phía trong một tấm kính cửa sổ đầy những giọt nước bên ngoài ở Kotka (Phần lan). Mỗi giọt nước phản chiếu da trời mùa xuân và màu sơn của các ngôi nhà gần đó.Ảnh của Juhani Kosonen.
Muỗi đậu trên tấm kính cửa sổ sáng xuân, Phần Lan

6. Tinh tinh đưa ma đồng loại ở Sanaga-Yong, châu Phi

Hàng tá bè bạn đang than khóc cho con tinh tinh cái hơn 40 tuổi Dorothy, chết do đột quị tim mạch và đang được đưa đi chôn cất tại Trung tâm cứu trợ Tinh tinh Sanaga-Yong. Ảnh của Monica Szczupider.
Tinh tinh đưa ma đồng loại ở Sanaga-Yong, châu Phi

7. Những con cá nhà táng đang ngủ, Đại Tây Dương

Trong vùng nước lấp lánh ánh mặt trời gần quần đảo Azores, Đại tây dương, những con cá nhà táng đang trồi lên theo phương thẳng đứng trông như những cột trụ khổng lồ. Theo các nhà khoa học, khi chúng đang ở tư thế “đứng” như thế này tức là chúng đang ngủ tập thể. Loài động vật này có lẽ là loài ngủ ít nhất trong số các loài có vú. Ảnh của Magnus Lundgren.
Những con cá nhà táng đang ngủ, Đại Tây Dương

8. Thợ lặn đua cung cá mập voi, Maldives

Một nhóm thợ lặn cố gắng theo kịp tốc độ một chú cá mập voi. Loài cá hiếm hoi lớn nhất hành tinh này đến tuổi trưởng thành có thể dài tới 18 mét. Chỉ cần quẫy mạnh đuôi là chúng sẽ bỏ xa các vận động viên bơi lội cừ khôi nhất chỉ trong vài phút. Ảnh của Manu San Felix.
Thợ lặn đua cung cá mập voi, Maldives



9. Sư tử xé xác con mồi, Kenya

Đàn sư tử đói ở Masai Mara, Kenya đang ăn thịt một con mồi. “Chúng mải ăn tới nỗi tôi có thể tiến đến tận nơi và đứng trên nóc xe hơi của mình để chụp bức ảnh này,” nhiếp ảnh gia Michel cho biết. Ảnh của Christine và Michel Denis-Huot.
Sư tử xé xác con mồi, Kenya

10. Cú xám đại mở to mắt tìm mồi, Thụy Sỹ

Đôi mắt to trên khuôn mặt như chiếc “đĩa” lông vũ của con Cú xám đại kết hợp với đôi tai nhạy cảm đang dò la mọi động tĩnh trên bề mặt khu đồng rộng giúp con chim có thể vồ lấy bất kì con chuột đồng nào ngay tức khắc. Ảnh của Magnus Elander.
Cú xám đại mở to mắt tìm mồi, Thụy Sỹ

11. Đỉnh núi Fitz Roy phủ lớp sương bạc, Argentina

Ánh trăng chiếu lên lớp mây trông như một lớp sương bạc trên đỉnh Fitz Roy của núi Patagonia, Argentina người dân địa phương gọi là đỉnh Cerro Chalten, nghĩa là “đỉnh núi khói thuốc”, bởi vì đỉnh núi này luôn luôn được mây bao phủ. Ảnh của Jordi Busque.
Đỉnh núi Fitz Roy phủ lớp sương bạc, Argentina

12. Thác Vitoria, Zambia

Nước đang đổ từ trên ngọn thác Victoria cao 108 mét, một vận động viên bơi lội đứng ở đỉnh thác, rìa một vực nước ngầm có độ sâu khoảng 2 mét trong khu đá của lòng sông Zambezi. Khi nước sông xuống thấp, người ta có thể tiếp cận được vực nước ngầm này. Ảnh của Annie Griffiths Belt.
Thác Vitoria, Zambia

13. Chân vịt của con tàu đi trên băng đang tạm nghỉ, Bắc Cực

Những chiếc chân vịt bằng thép không gỉ nặng 22 tấn này của con tàu đi trên băng Louis S.St-Laurent, Canada đang tạm ngừng đầy một đường ống xuyên qua lớp nước bị đông cứng, nhằm giúp các thợ lặn có thể tiếp cận và thám hiểm vùng nước dưới băng Bắc cực. Ảnh của Paul Nicklen.
Chân vịt của con tàu đi trên băng đang tạm nghỉ, Bắc Cực

14. Xe tải hóa trang lấp lánh, Nhật bản

Được bọc bằng crôm cùng với ánh đèn nê-ông lấp lánh, cỗ máy cồng kềnh này tỏa sáng tại một cuộc triển lãm cơ khí ở quận Aichi, Nhật Bản. Hầu hết các cỗ máy tham gia triển lãm đều là xe tải đang hoạt động. Ảnh của Roger Snider.
Xe tải hóa trang lấp lánh, Nhật bản

15. Các cối xay gió vẫn chạy trong đêm, Mỹ

Hơn 3000 chiếc cối xay gió dựng đứng trên những ngọn đồi của Khu cung cấp năng lượng gió Tehachapi-Mojave, California sản xuất đủ điện phục vụ cho 1/4 triệu hộ gia đình Mỹ hàng năm.Ảnh của Jeff Kroeze.
Các cối xay gió vẫn chạy trong đêm, Mỹ

Theo Nationalgeographic, VNN

10 video Time Lapse ấn tượng về thiên nhiên


Kỹ thuật Time Lapse sử dụng các hình được chụp trong một khoảng thời gian dài nhưng cùng một góc chụp.

Khi ghép các ảnh lại với nhau sẽ tạo ra một video khiến cho người xem có cảm giác thời gian đang trôi nhanh hơn.


Sự biến đổi của cây sồi trong một năm. (Xem video)
Hình ảnh những dải sáng màu xanh khổng lồ (bắc cực quang) đẹp mắt trên bầu trời về đêm. (Xem video)
Bông hoa biến đổi trong vòng một tháng. (Xem video)
Vũ trụ đẹp mắt ngắm từ hẻm núi Daigenta ở Nhật Bản. (Xem video)
Cây nấm khổng lồ mọc sau vườn. (Xem video)
Toàn cảnh về một trận bão. (Xem video)
Sự trỗi dậy của sự sống trong vòng 6 ngày. (Xem video)
Video Time Lapse về bầu trời của tác giả Dan Newton được bổ sung thêm nhiều hiệu ứng đẹp mắt. (Xem video)
Quang cảnh hùng vĩ và đẹp mắt ở trên ngọn núi cao nhất Tây Ban Nha El Teide. (Xem video)
Con chim cổ đỏ mới sinh đón nhận thế giới mới. (Xem video)
Thế Mạnh
Nguồn tin: Vnexpress