9 tháng 6, 2021

CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG HỔ BẰNG GỖ MÍT

 
Chuyện làng chơi:

 

CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG HỔ BẰNG GỖ MÍT

 

 

Cớ sao em chẳng đến cùng anh

Bởi canh hổng ngọt, cơm không lành

Cà hết giòn dai, dưa chưa chín

Hay hành khô héo, ớt còn xanh…?

 

Cọp vàng thong thả vênh râu ngóng

Dáng vẻ nhu mì, mắt long lanh

Một chín sáu hai đồ sành cỗ

Vẫn mãi chờ em đến cùng anh…

 

Đó là mấy câu thơ viết vội, để tôi tỏ lòng biết ơn cho người đã quý mình. Trong đó, cái ý hờn trách "sao không đến" trong khổ thơ đầu là tôi muốn nói về anh chị TH ở Ái nghĩa ngày xưa, cũng từng hờn trách tôi, hệt như vậy. Xin chia sẻ lại về những kỷ niệm xưa…

Đó là bức tượng gỗ khắc hình con hổ, với một dáng vẻ rất lạ, hiếm thấy trên các hình tượng nghệ thuật về hổ: Thân thiện và hiện hòa. Mỗi khi bình tâm ngồi ngắm là tôi không khỏi bồi hồi nhớ về những kỷ niệm xa xưa, khi còn công tác tại Đại Lộc. Lúc bấy giờ, là một cán bộ tín dụng nông thôn nghèo, cùng với chiếc xe đạp cà tàng, ngày ngày tôi đã phải len lõi khắp các vùng quê, để làm nhiệm vụ…

Lúc bấy giờ, có một gia đình làm ăn nhỏ, ở trong xóm nhỏ của thị trấn. Anh chồng làm thợ mộc còn chị vợ thì làm đậu khuôn, bán chợ… Tôi đã đến nhà rất nhiều lần để thẩm tra cho việc đầu tư tín dụng. Số tiền ngân hàng được tôi đề xuất cho họ vay cũng không nhiều (hình như khoảng chục triệu gì đó) nhưng với họ nó rất quan trọng, là lẽ sống, là bát cơm manh áo cho cả gia đình nheo nhóc đến 4 đứa con thơ. Thế là, biết ơn cán bộ ngân hàng, anh chồng mỗi khi gặp là cứ nằn nì mời tôi đến nhà để… đãi ăn một bữa, theo lời anh là phải "cho thật đàng hoàng". Song vì nhiều lý do, tôi cứ hẹn lần, hẹn lữa mà chưa bao giờ đến được.



Cho đến một hôm, vì quá cảm thương cái sự nhiệt tình của họ, tôi đã đến. Và đã được họ đãi cho một bữa… mì Quảng ra trò. Nhưng điều muốn kể ở đây là cái xưởng mộc của anh đã khiến tôi mê mẫn về những thứ anh có. Ngoài các vật dụng như bàn ghế, giường, tủ đóng cho khách ra, anh còn làm cả những bức tượng nghệ thuật để chơi. Và đây chính là thứ đã khiến tôi đã phải… bận lòng.  Nhìn thấy tôi mê mẫn với những tác phẩm lạ đó, anh chồng tỏ ra rất vui. Anh kể, anh mê điêu khắc từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ được học nghề. Đến khi có gia đình, sống bằng nghề mộc, mỗi khi gặp được khúc gỗ nào có hình thù vừa ý là anh dành riêng để mày mò làm tượng. Tác phẩm đầu tay của anh được chế tác từ một gốc mít, có hình một con hổ ngồi. Khi được giới thiệu tác phẩm này trong nhà anh, tôi đã nhận ra ngay nó. Vì trước đó, nó từng được trưng bày ở quán ăn của chị T và anh L (Ngã tư Ái Nghĩa)  là một quán "nhậu" mà tôi vẫn thường lui tới với bạn bè hoặc trong những dịp cùng được tiếp khách cơ quan. Do chủ quán có quan hệ họ hàng với anh, nên họ mượn để trưng bày cho đẹp. Tôi nhớ, thời gian trưng bày ở quán này rất lâu, đến vài năm, nên những ai từng công tác tại Đại Lộc vào những năm 1990-1995 chắc hẳn sẽ không quên được nó. Theo lời anh, chưng quán mãi cũng chán, anh lấy lại và đặt ở một vị trí trang trọng trong nhà…



Lần gặp nhau hiếm hoi đó, từ lòng quý mến, anh đã mang cái tác phẩm đầu tay của mình là bức tượng hổ đó để tặng tôi. Tôi không nỡ nhận nhưng cả hai vợ chồng đều xúm lại nằn nì…

Thế là, từ khi được tặng, qua rất nhiều lần chuyển chỗ ở, từ Đại Lộc vào Tam Kỳ, rồi mấy bận dời nhà, tôi cũng đều chú ý mang theo bức tượng gỗ hình con hổ này. Nó từng được tôi ghép cảnh chụp ảnh "thuê" trong mỗi dịp tết để kiếm thêm thu nhập trong những năm nghèo khó, gian nan. Thế nên, tôi rất quý nó, chưa bao giờ có ý định rời xa nó, dù với bất cứ lý do gì. Và cho đến bây giờ tôi vẫn xem nó như một thành viên thực thụ của gia đình vậy.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Hơn hai mươi năm rời đất Ái Nghĩa vào sinh sống tại Tam Kỳ rồi. Những năm đầu, tôi cũng đã có đôi lần về lại chốn cũ để tìm anh, chị. Nhưng có lẽ vì thời gian ngắn ngũi, mà cảnh trí thì đã lạ lẫm đi rất nhiều. Ái nghĩa đã có sự thay đổi rất lớn, nhất là sau lần quy hoạch tổng thể, chỉnh trang đô thị hồi 2005-2010, nên tôi không thể nào tìm thấy lại họ.

Bây giờ ngồi ngắm nhìn bức tượng, với một nét hiền hòa thân thiện hiếm gặp trên hổ mà lòng tôi rất đỗi mênh mông. Nhớ về những kỷ niệm xa xưa, lặn lội xóm làng, chơi thân với rất nhiều gia đình lam lũ, bổng tôi nhớ đến gia đình anh chị quá chừng. Tôi tự thấy mình có lỗi. Giá như trước đây mình tận tình, chịu khó hơn một chút, có lẽ đã gặp lại. Mong cho dịch dã chóng qua, nhất định tôi phải có một lần về lại chốn cũ và tìm được anh chị, để nói lại lời cảm ơn, dẫu có quá muộn màng.

Nhất định phải như thế. Chỉ cầu mong cho gia đình anh chị và cả tôi đủ sức khỏe để có ngày gặp lại…

 

Tam Kỳ, 09/06/2021

Lê Thạnh