13 tháng 10, 2021

Ý nghĩa của Can Chi

 1. Can Chi là gì và sự phối hợp của Can Chi

 
Can chi hay còn có cách gọi khác là Thiên Can, Địa Chi hoặc Thập Thiên Can, Thập Nhị Địa Chi. Đây vốn là những đơn vị rất quen thuộc và gần gũi đối với người dân Á Đông, thường được sử dụng trong việc tính hệ thống lịch pháp cũng như các ngành học thuật khác.

Tuy vậy, nguồn gốc của Can Chi không thật rõ ràng, có sách cho rằng Can Chi do Đại Sào phát hiện ra cách tính Can Chi thông qua việc đếm các đốt ngón tay, trong đó Giáp, Ất, Bính, Đinh… dùng để đặt tên cho các ngày trong năm, gọi chung là Thiên Can, còn Tý, Sửu, Dần, Mão được dùng để đặt cho các tháng trong năm, gọi chung là Địa Chi.
 


 
10 Thiên Can gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý
 
12 Địa Chi gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi
 
Khi đã xây dựng được 10 Thiên Can và 12 Địa Chi thì người ta phối hợp hai yếu tố này lại để tính năm, tháng, ngày, giờ.

Sự phối hợp đầu tiên là ghép hai đơn vị đầu của Can và Chi lại, ta được Giáp Tý, tiếp đó sẽ đến Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão… Cứ ghép lần lựa như vậy, ta sẽ được ghép được 60 lần. Do vậy, chu kỳ phối hợp của Thiên Can và Địa Chi sẽ là 60.
 

2. Ý nghĩa của Can Chi

 
Sau khi biết Can Chi là gì, ta cũng nên biết thêm về ý nghĩa của Can Chi. Quan niệm cho rằng người xưa lấy 10 Thiên Can để miêu tả chu kỳ tuần hòa của Mặt Trời có tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của vạn vật. Cụ thể:
 
(I) Giáp: Có nghĩa là mở, ý chỉ dấu hiệu vạn vật được tách ra, bắt nguồn sự sống.
 
(II) Ất: Có nghĩa là kéo, ý chỉ quá trình vạn vật bắt đầu quá trình nhú mầm, sinh trưởng
 
(III) Bính: Có nghĩa là sự đột ngột, khi vạn vật bắt đầu lộ ra trên mặt đất
 
(IV) Đinh: Có nghĩa là mạnh mẽ, khi vạn vật bước vào quá trình phát triển mạnh mẽ
 
(V) Mậu: Có nghĩa là rậm rạp, tức chỉ giai đoạn vạn vật bắt đầu xanh tốt
 
(VI) Kỷ: Có nghĩa là ghi nhớ, chỉ giai đoạn vạn vật bắt đầu thành hình để phân biệt được.
 
(VII) Canh: Có nghĩa là chắc lại, khi vạn vật bắt đầu kết quả.
 
(VIII) Tân: Có nghĩa là mới, vạn vật bước vào thời kỳ thu hoạch.
 
(IX) Nhâm: Có nghĩa là gánh vác, ý chỉ dương khí có tác dụng nuôi dưỡng vạn vật.
 
(X) Quý: Có nghĩa là đo, chỉ sự vật khi đã có thể đo lường được.
 


 

12 Địa chi dùng để miêu tả chu kỳ vận động của Mặt Trăng, gây tác động đến quá trình phát triển của sinh vật. Trong đó:
 
(1) Tý: Là nuôi dưỡng, tu bổ, tức vạn vật bắt đầu nảy nở nhờ có dương khí.
 
(2) Sửu: Là kết lại, khi các mầm non tiếp tục quá trình lớn lên.
 
(3) Dần: Là sự thay đổi, dẫn dắt, khi các mầm non bắt đầu vươn lên khỏi mặt đất.
 
(4) Mão: Là đội, khi tất cả vạn vật đã nứt khỏi mặt đất để vươn lên.
 
(5) Thìn: Là chấn động, chỉ quá trình phát triển của vạn vật sau khi trải qua biến động.
 
(6) Tị: Là bắt đầu, khi vạn vật đã có sự khởi đầu.
 
(7) Ngọ: Là tỏa ra, khi vạn vậy đã bắt đầu mọc cành lá.
 
(8) Mùi: Là ám muội, khi khí âm bắt đầu xuất hiện, khiến vạn vật có chiều hướng phát triển yếu đi.
 
(9) Thân: Là thân thể, khi vạn vật đều đã trưởng thành.
 
(10) Dậu: Là sự già cỗi, khi vạn vật đã già đi.
 
(11) Tuất: Là diệt, tức chỉ đến một thời điểm nào đó, vạt vật sẽ đều suy yếu và diệt vong.
 
(12) Hợi: Là hạt, khi vạn vật lại quay trở về hình hài hạt cứng.
 
Từ đây, ta có thể thấy việc 10 Thiên Can và 12 Địa Chi được xây dựng dựa trên sự nhận thức đặc điểm hoạt động của Mặt Trời và Mặt Trăng.

Người xưa thường lấy Mặt Trời và Trời làm dương, còn Mặt Trăng và Đất để làm âm, do đó lẽ dĩ nhiên, 10 Thiên Can được phối với trời, 12 Địa Chi phối với đất, vậy nên mới hình thành tên gọi Thiên Can và Địa Chi.
 
Ngoài ra, các Chi vốn không được gán với các con vật ngay từ đầu như mọi người vẫn nghĩ. Đến khoảng đầu Công nguyên, người Trung Hoa mới gán các chi với các con vật.

Tuy nhiên, nguồn gốc của việc này không quá rõ ràng, có ý kiến cho rằng việc này gắn với truyền thuyết trong Phật giáo, thứ tự 12 con giáp là thứ tự của 12 con vật đã đến từ biệt khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập cõi Niết Bàn.

Lần lượt là: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (Mèo, thỏ), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn).

Theo Lịch Ngày Tốt
https://lichngaytot.com/tu-vi/can-chi-la-gi-304-200221.html
(Truy cập 14/10/2021)