15 tháng 4, 2021

Vọng cổ:

 TÂM SỰ DỊ LÃO YÊU CÂY

( Soạn lời: Lê Thạnh - Dị nhân Bonsai Ngược)

 

Thơ

Thì mắt, thì đầu, cũng lỗ tai

Làm cây thì nghịch thế hổng giống ai

Sớm mai tất tả xuôi vòi tưới

Chiều tà tha thiết, ngược bonsai…

 

Thơ Vân Tiên

Yêu cây yêu cả cuộc đời,

Yêu em yêu cả nụ cười trên môi

Những khi còn lại đơn côi

Một mình ta phải bồi hồi nhớ thương.

 

 

Nhưng đời còn lắm tơ vương

Gia đình, sự nghiệp, quê hương, bạn bè

Làm trai phải biết lắng nghe

Cho tròn chữ đạo, mới vẹn bề đàn ông…



Clip Vọng cổ Tâm sự Dị lão yêu cây (tự biên, tự diễn)

 

Vọng cổ

Câu 1: Cuộc sống văn minh thời đại 4.0 nhiều áp lực, nên người ta phải tìm những thú vui để tạo thế cân bằng.

Đá cảnh, bonsai, hay cờ bạc, rượu chè…

Có  thú vui luôn làm cho ta thăng hoa cảm xúc. Nhưng cũng có lắm trò nó giết mình còn nhanh hơn cả súng và gươm.

 

Trong cuộc mưu sinh, để vẹn tròn chữ đạo, lão đã chọn thêm cho mình niềm vui thú cùng cây. Cũng như những khế ước yêu đương, dẫu viên mãn tới đâu vẫn phải còn trăn trở…


             

Thơ Vân Tiên

Câu 2: Chuyện đời tất bật, lo âu

Kẻ mơ chức tước, người cầu giàu sang

Lão đây đã trót đa mang

Chỉ mong yên ổn, không ham bạc vàng.

 

Lão chẳng mơ xa, cũng không kỳ vọng chốn quan trường…  

Cơm nước đơn sơ, ngày tròn ba bữa. Áo xống đàng hoàng, chớ hổng diêm dúa như người ta…

 

Mặc dù đã sắp về hưu

Vẫn còn chu chỉnh vẹn toàn như ai

Cà phê sáng. Nhưng bia rượu chỉ lai rai

Khi cần thơ, nhạc thì chuẩn bài, hót men….

 

Nói lối

Cà phê, trà, rượu, đá, bonsai

Ngẫm phận đàn ông cũng đắng cay

Bớt được món nào hay món nấy

Hết đường thì lão giữ lại món cây…

 

Thơ Vân tiên

Trời cho làm gã đàn ông

Nên tôi mới vướng phải lòng người ta

Chỉ vì yêu một sắc hoa

Nên tôi mới phải la cà ngẩn ngơ!

 

Phiêu diêu từ cõi mộng mơ

Nên tôi như một gã khờ chơi vơi

Chạnh lòng tính sổ với đời

Mới hay cả vốn lẫn lời có dư…


 

Vọng cổ

Câu 5: Mấy chục năm qua sau ngày rời quê hương bản quán. Lão đã trải qua biết bao nhiêu mối tương giao nhiều hiềm khích, cùng với những tấm chân tình…

 

Mỗi bước gian nan, luôn soi xét lại mình.

Bất giác lão soi gương mà nhìn lên mái tóc, qua những vật đổi sao dời,  nó cũng đã hóa trắng tinh.

 

Lẽ đời ngân nghĩa phải trung trinh

Danh vọng tiền tài dám coi khinh

Mai sau mọi thứ tan thành khói

Còn mãi trong ta một chút tình…

 

Câu 6: Hò ơ….

Có đôi khi vui chẳng tày gang

Chỉ một câu nói nát tan cõi lòng

Tìm đâu trong cõi mênh mông

Gào lên một tiếng…

Hò ơ. Gào lên một tiếng cho lòng nhẹ vơi…

 

Vẫn biết đau khổ vì cây

Mà sao tôi vẫn đêm ngày thương yêu

Thì thôi tuổi cũng xế chiều

Trót lỡ rồi, xin được yêu thương cho tới hết cuộc đời.

 

Mai sau hoa vẫn là hoa

Cùng đời ở lại tôi qua một mình

Mai sau cây vẫn lung linh

Cùng người ở lại một mình tôi đi./.




12 tháng 4, 2021

GIẢN DỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CUỘC ĐỜI CỦA CỤ ÔNG BÁCH NIÊN TRƯỜNG THỌ - 2021.

 

 




Cụ tên khai sinh là Lê Chủng, ở quê xưa thường gọi là ông Bảy Chủng, sinh ngày 10/01/1921 tại làng Khánh Vân, thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là con thứ 7 trong một gia đình có đến 10 anh em ruột.  

Sinh thời, vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, tại một vùng quê hẻo lánh thuần nông nên cụ chỉ được học đến hết cấp "yếu lược" (cấp học thời xưa, tương đương với lớp 5, tiểu học ngày nay) rồi nghỉ học, đi làm nông cùng với cha mẹ. Đến khoảng năm 1951 cụ lấy vợ (mẹ của chúng tôi), là người ở xã Lộc Phong (Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam ngày nay).

Khoảng những năm 1952-1953, theo sự động viên của tổ chức Việt Minh, cụ tham gia Kháng chiến chống Pháp, nhập ngũ vào Vệ Quốc Đoàn, để vợ trẻ ở nhà với cha mẹ. Theo lời kể của cụ khi còn trẻ, với tư cách là bộ đội Vệ quốc đoàn, thuộc Trung đoàn 108, cụ tham gia Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 ở Chiến trường Bắc Tây Nguyên, từng trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của cụ Nguyễn Bá Phát (Anh hùng Lực lượng Vũ trang, người Đà Nẵng, đã mất), lập công trong chiến dịch đánh vào Đồn Pháp ở Kon-Plông (Kon Tum) đầu năm 1954. Sau đó, nặng nợ gia đình, cụ xin giải ngũ về lại quê hương ở Đại Lộc, Quảng Nam.

 

 


Giai đoạn từ năm 1954 trở về sau, vùng quê Đại Lộc, Quảng Nam trở thành khu vực giáp ranh, tranh chấp khốc liệt giữa ta và địch. Cụ tham gia làm "dân quân" tình nguyện tiếp lương cho bộ đội, bí mật trực tiếp nuôi quân chống Mỹ (nuôi dấu bộ đội trong nhà) và đóng góp tiền, gạo vào quỹ nuôi quân ở địa phương. Trong thời gian này, cụ từng nhiều lần bị quân Mỹ nghi ngờ là "VC", đã bắt bớ, đánh đập, khủng bố nhưng tuyệt nhiên, cụ không có bất cứ hành vi nào gây bất lợi cho Cách mạng…

          


Đến những năm 1967, 1968, chiến tranh diễn ra tại địa phương quá ác liệt, cụ đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống.

Sau đó, qua nhiều cuộc bôn ba vì mục đích mưu sinh, bảo bọc gia đình, trong thời chiến tranh, cụ chỉ chú tâm làm ăn lương thiện (Sài Gòn 1967-1973; Đà Nẵng 1973-1974; Thủ Đức-Gia định 1974-1975) không tham gia gì cho địch và luôn hướng tâm về Cách mạng.

Sau ngày Thống nhất Đất nước, tháng 4 năm 1975, cụ đưa gia đình về lại quê hương tại Đại Lộc-Quảng Nam (1975-1980). Sau đó, vì lý do kinh tế, chuyển vào Xuân Lộc-Đồng Nai (1980-1991), rồi hồi hương về lại  Đại Lộc-Quảng Nam (1991-2002). Và cuối cùng, đến  năm 2002, khi tuổi cao sức yếu, hai cụ cùng vàoTam Kỳ-Quảng Nam sống với gia đình con trai (người viết bài). Qua tất cả các giai đoạn đó, chủ yếu cụ chỉ làm nông để lo cho gia đình và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật Nhà nước.

Trong suốt cuộc đời, trải qua các giai đoạn lịch sử, qua rất nhiều cuộc chuyển dời, cụ vẫn luôn giữ vững khí tiết của một Con Người Chân Chính, luôn là công dân gương mẫu, hiếu đạo với tổ tiên ông bà, mẫu mực và trách nhiệm với gia đình, con cháu, không gây thù oán với bất cứ ai. Đặc biệt là tấm lòng hy sinh vô bờ bến của cụ đối với đàn con thân yêu. Cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, bao giờ cụ cũng cứ nhận lấy phần đau khổ, thiệt thòi về mình để lo cho con ăn học ăn học đến nơi, đến chốn. Về phẩm chất, giá trị của cụ, gia đình chúng tôi xin được đúc kết gói gọn trong hai từ: Giản dị và Trách nhiệm.


 

Đến nay, gia đình chúng tôi vẫn còn lưu giữ được của cụ những tài liệu mang tính lịch sử: Thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968 (bản gốc) do Cách mạng lưu truyền trong vùng địch, được cụ bí mật lưu giữ, đến nay vẫn còn; Quyết định chi trả một lần về tham gia Kháng chiến, các bằng chúc thọ của Hội Người Cao tuổi, v.v…

Ngoài ra, cụ cũng từng được tuyên dương công trạng tại Trận đánh thắng Đồn Pháp Kon – Plông (1954), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1976), v.v…  nhưng đến nay, qua nhiều thời kỳ lịch sử, tất cả đều đã thất lạc, gia đình không còn lưu giữ được…

Năm nay – 2021, cụ tròn 100 tuổi, sức khỏe vẫn còn tương đối ổn định, gia đình chúng tôi rất lấy làm vui mừng. Tuyệt vời hơn, được sự quan tâm của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, chúng tôi thực hiện hồ sơ đề nghị xác lập bằng Bách niên Trường thọ cho cụ. Với sự kiện này, gia đình chúng tôi rất lấy làm vinh dự được có thêm một việc làm báo hiếu cho cụ. Chúng tôi xin trân trọng gửi đến Quý Lãnh đạo và tập thể CBVC Tổ chức Kỷ lục Việt Nam lời cảm ơn sâu sắc, cùng lời chúc sức khỏe, thành công.