2 tháng 11, 2021

Thông tin phát hành sách: BONSAI NGƯỢC - UPSIDE DOWN BONSAI – NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN NGHỆ THUẬT VÀ KỸ THUẬT TẠO TÁC.

 

Sau khi tác phẩm "Bonsai ngược - Upside down bonsai – Những vấn đề về lý luận nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác" (Tác giả Lê Thạnh – Kỷ lục gia, Dị nhân Bonsai Ngược) được cấp phép xuất bản, đến nay tập sách đã được in ấn hoàn chỉnh và chính thức phát hành.

Qua thông điệp này, tác giả xin được vui mừng chia sẻ thông tin đến quý thân hữu, bạn bè gần xa như một tin vui lớn, cũng là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nghệ thuật của tác giả. Kính mong tất cả các quý vị đồng lòng ủng hộ, chia sẻ và tiếp tục có những góp ý thẳng thắn, chân tình.

Nhân đây, một lần nữa tác giả cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Nhà Xuất bản Đà Nẵng, Công ty CP In – PHS và TBTH Quảng NamTNHH MTV đã giúp đỡ, động viên và cộng tác đắc lực để tác phẩm được ra đời. Chân thành cảm ơn thân hữu Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh đã có công rất lớn trong việc động viên, giúp sức tác giả, hơn cả một người bạn, trong suốt quá trình biên soạn, hiệu chỉnh, in ấn và phát hành.

 


* Về nội dung tập tài liệu:

Bao gồm các phần chính:

-         Phần I: Cơ sở lý luận và ý nghĩa nhân sinh về Bonsai ngược

-         Phần II: Những vấn đề về kỹ thuật tạo tác

-         Phần III: Kết quả tạo tác

-         Phần IV: Kết luận

-         Phần cuối: Lời bạt của Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh; Danh mục các tài liệu tham khảo; Phụ lục bộ sưu tập ảnh các tác phẩm bonsai ngược do tác giả tạo tác thành công.

Nội dung chính của tập sách, tác giả tập trung giải quyết các vấn đề về lý luận nghệ thuật, ý nghĩa nhân sinh và kỹ thuật tạo tác để có được một tác phẩm bonsai ngược hoàn chỉnh. Đây là những nội dung hoàn toàn mới trong lĩnh vực bonsai cây cảnh đã được tác giả dày công theo đuổi từ hơn 10 năm trước. Với lòng mong mỏi, xây dựng được hệ thống lý luận cơ bản cho Trường phái Bonsai Ngược và quan trọng hơn nhất là sự chia sẻ cụ thể kỹ lưỡng toàn bộ quy trình kỹ thuật để tạo tác được một tác phẩm bonsai ngược, tác giả đã khảo cứu đúng mực các tài liệu về nghệ thuật bonsai cả kinh điển và hiện đại, đã đầu tư nhiều tâm lực, trí tuệ và cả tài chính để biên soạn tập sách thành công. Bằng lối diễn đạt cố đạt đến mức giản dị, rõ ràng và dễ hiểu nhất trong quá trình biên soạn, tác giả hy vọng là bạn đọc có thể nhanh chóng nắm bắt lý luận và tự thực hiện thành công cho mình những tác phẩm bonsai ngược đặc sắc.

Mặt khác, tập sách cũng dành một không gian thích hợp trong phần phụ lục, gồm 26 trang nhằm đăng tải một số hình ảnh tác phẩm bonsai ngược đặc sắc đã được tạo tác thành công để bạn đọc tham khảo và thưởng lãm.

Toàn bộ tập sách đều được in trên loại giấy couche trắng tốt, hình ảnh in 04 màu, chân thật, chất lượng.  

 


* Về việc phát hành:

Không như tác phẩm đầu tay (Gieo vần cho cây, thơ và tác phẩm sinh vật cảnh) được xuất bản năm trước, tác giả đã dành để tặng phần lớn số lượng phát hành. Ra sách lần này, do khả năng tài chính hạn hẹp, tác giả dành một số lượng có hạn để biếu tặng.  Số còn lại xin được… bán để bù đắp chi phí. Kính mong nhận được sự thông cảm từ tất cả mọi người.

Số lượng phát hành lần này là hạn chế (chỉ in 150 bản), quý vị có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên hệ sớm với tác giả qua điện thoại, Messenger hoặc Zalo(Lê Thạnh - 0914026345) để đăng ký số lượng và đặt mua.

Giá phát hành mỗi cuốn (theo giá bìa) là 115.000 đồng. Xin được thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản (Lê Thạnh, số tài khoản 4200.207.001.452 Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Nam). Sau khi nhận được đủ tiền, tác giả sẽ gửi ngay sách cho quý vị và miễn toàn bộ chi phí vận chuyển trong nước.

Ngoài ra, quý vị mua gộp từ 5 cuốn Bonsai Ngược, nếu thích, tác giả xin được tặng thêm 1 cuốn Gieo vần cho cây để làm kỷ niệm.

 

Tác giả xin được trân trọng kính báo. Xin kính chúc quý thân hữu, bạn bè, bạn đọc gần xa nhiều sức khỏe, may mắn và thành công trong cuộc sống.

 

Lê Thạnh

Kỷ lục gia Việt Nam – Dị nhân Bonsai Ngược

 

13 tháng 10, 2021

Ý nghĩa của Can Chi

 1. Can Chi là gì và sự phối hợp của Can Chi

 
Can chi hay còn có cách gọi khác là Thiên Can, Địa Chi hoặc Thập Thiên Can, Thập Nhị Địa Chi. Đây vốn là những đơn vị rất quen thuộc và gần gũi đối với người dân Á Đông, thường được sử dụng trong việc tính hệ thống lịch pháp cũng như các ngành học thuật khác.

Tuy vậy, nguồn gốc của Can Chi không thật rõ ràng, có sách cho rằng Can Chi do Đại Sào phát hiện ra cách tính Can Chi thông qua việc đếm các đốt ngón tay, trong đó Giáp, Ất, Bính, Đinh… dùng để đặt tên cho các ngày trong năm, gọi chung là Thiên Can, còn Tý, Sửu, Dần, Mão được dùng để đặt cho các tháng trong năm, gọi chung là Địa Chi.
 


 
10 Thiên Can gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý
 
12 Địa Chi gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi
 
Khi đã xây dựng được 10 Thiên Can và 12 Địa Chi thì người ta phối hợp hai yếu tố này lại để tính năm, tháng, ngày, giờ.

Sự phối hợp đầu tiên là ghép hai đơn vị đầu của Can và Chi lại, ta được Giáp Tý, tiếp đó sẽ đến Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão… Cứ ghép lần lựa như vậy, ta sẽ được ghép được 60 lần. Do vậy, chu kỳ phối hợp của Thiên Can và Địa Chi sẽ là 60.
 

2. Ý nghĩa của Can Chi

 
Sau khi biết Can Chi là gì, ta cũng nên biết thêm về ý nghĩa của Can Chi. Quan niệm cho rằng người xưa lấy 10 Thiên Can để miêu tả chu kỳ tuần hòa của Mặt Trời có tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của vạn vật. Cụ thể:
 
(I) Giáp: Có nghĩa là mở, ý chỉ dấu hiệu vạn vật được tách ra, bắt nguồn sự sống.
 
(II) Ất: Có nghĩa là kéo, ý chỉ quá trình vạn vật bắt đầu quá trình nhú mầm, sinh trưởng
 
(III) Bính: Có nghĩa là sự đột ngột, khi vạn vật bắt đầu lộ ra trên mặt đất
 
(IV) Đinh: Có nghĩa là mạnh mẽ, khi vạn vật bước vào quá trình phát triển mạnh mẽ
 
(V) Mậu: Có nghĩa là rậm rạp, tức chỉ giai đoạn vạn vật bắt đầu xanh tốt
 
(VI) Kỷ: Có nghĩa là ghi nhớ, chỉ giai đoạn vạn vật bắt đầu thành hình để phân biệt được.
 
(VII) Canh: Có nghĩa là chắc lại, khi vạn vật bắt đầu kết quả.
 
(VIII) Tân: Có nghĩa là mới, vạn vật bước vào thời kỳ thu hoạch.
 
(IX) Nhâm: Có nghĩa là gánh vác, ý chỉ dương khí có tác dụng nuôi dưỡng vạn vật.
 
(X) Quý: Có nghĩa là đo, chỉ sự vật khi đã có thể đo lường được.
 


 

12 Địa chi dùng để miêu tả chu kỳ vận động của Mặt Trăng, gây tác động đến quá trình phát triển của sinh vật. Trong đó:
 
(1) Tý: Là nuôi dưỡng, tu bổ, tức vạn vật bắt đầu nảy nở nhờ có dương khí.
 
(2) Sửu: Là kết lại, khi các mầm non tiếp tục quá trình lớn lên.
 
(3) Dần: Là sự thay đổi, dẫn dắt, khi các mầm non bắt đầu vươn lên khỏi mặt đất.
 
(4) Mão: Là đội, khi tất cả vạn vật đã nứt khỏi mặt đất để vươn lên.
 
(5) Thìn: Là chấn động, chỉ quá trình phát triển của vạn vật sau khi trải qua biến động.
 
(6) Tị: Là bắt đầu, khi vạn vật đã có sự khởi đầu.
 
(7) Ngọ: Là tỏa ra, khi vạn vậy đã bắt đầu mọc cành lá.
 
(8) Mùi: Là ám muội, khi khí âm bắt đầu xuất hiện, khiến vạn vật có chiều hướng phát triển yếu đi.
 
(9) Thân: Là thân thể, khi vạn vật đều đã trưởng thành.
 
(10) Dậu: Là sự già cỗi, khi vạn vật đã già đi.
 
(11) Tuất: Là diệt, tức chỉ đến một thời điểm nào đó, vạt vật sẽ đều suy yếu và diệt vong.
 
(12) Hợi: Là hạt, khi vạn vật lại quay trở về hình hài hạt cứng.
 
Từ đây, ta có thể thấy việc 10 Thiên Can và 12 Địa Chi được xây dựng dựa trên sự nhận thức đặc điểm hoạt động của Mặt Trời và Mặt Trăng.

Người xưa thường lấy Mặt Trời và Trời làm dương, còn Mặt Trăng và Đất để làm âm, do đó lẽ dĩ nhiên, 10 Thiên Can được phối với trời, 12 Địa Chi phối với đất, vậy nên mới hình thành tên gọi Thiên Can và Địa Chi.
 
Ngoài ra, các Chi vốn không được gán với các con vật ngay từ đầu như mọi người vẫn nghĩ. Đến khoảng đầu Công nguyên, người Trung Hoa mới gán các chi với các con vật.

Tuy nhiên, nguồn gốc của việc này không quá rõ ràng, có ý kiến cho rằng việc này gắn với truyền thuyết trong Phật giáo, thứ tự 12 con giáp là thứ tự của 12 con vật đã đến từ biệt khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập cõi Niết Bàn.

Lần lượt là: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (Mèo, thỏ), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn).

Theo Lịch Ngày Tốt
https://lichngaytot.com/tu-vi/can-chi-la-gi-304-200221.html
(Truy cập 14/10/2021)

29 tháng 8, 2021

Tóm lược về Phật giáo dễ hiểu nhất

 

Phật giáo là gì? Để trả lời chuyên sâu cho câu hỏi này có lẽ sẽ rất dài...Bài viết dưới đây của tác giả Thái Hạo tóm lược dễ hiểu nhất ở hiện tại về Đạo Phật, mời quý độc giả cùng đọc.

1. Phật giáo là gì?

Danh từ Đạo Phật

Danh từ Đạo Phật "Buddhism" là một danh từ của người phương Tây dùng để gọi một tôn giáo xây dựng trên nền tảng các lời dạy của Đức Phật.

Phật giáo là một hệ thống tư tưởng có nguồn gốc từ Ấn Độ, do Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) sáng lập. Người là một Thái tử, đã kết hôn và có con nhưng vì cảm nghiệm thấy cuộc đời nhiều khổ đau nên đã quyết tìm con đường giải thoát. Sau 6 năm gian khổ, trải qua nhiều phương pháp thực hành khác nhau, đến năm 36 tuổi Người đã giác ngộ (thấy được chân lý của vũ trụ, nhân sinh và đạt tới hạnh phúc trọn vẹn). Sau đó, Người dành cả cuộc đời còn lại (đến 80 tuổi) để truyền đạt tư tưởng và hướng dẫn đường lối tu hành cho mọi người. Tất cả những lời giảng của Người được tập hợp lại sau đó, được gọi là Kinh Phật.

Như vậy, Phật giáo vốn không phải là một tôn giáo, nó là một hệ thống tư tưởng triết học có tính hiện sinh, dùng để áp dụng vào đời sống để tránh những lầm lạc và đạt tới mục đích cao nhất là hạnh phúc (viên mãn) bằng con đường của trí tuệ sáng suốt dựa trên nỗ lực và sự tự chủ của cá nhân mỗi người. Như thế, Phật là một người thầy giáo – người có năng lực trí tuệ và lòng bi mẫn đã dành cả đời để giúp đỡ mọi người bằng cách “khai dân trí” cho họ.

Chùa là trường học của nhà Phật, kinh là sách giáo khoa, đệ tử là học sinh. Mỗi người đến chùa là đang thực hiện con đường học vấn theo phương pháp của nhà Phật. Tuyệt nhiên không cần cúng bái, lạy lục - nếu có lạy cũng để tỏa lòng tôn kính và biết ơn thầy mình; không cần bày ra các lễ lạt rườm rà hình thức gây lãng phí và làm mê muội nhân tâm. Ngày nay, khi Người thầy sáng lập đã qua đời thì công việc giáo dục ấy được trao vào tay những vị thầy chùa (sư). Những người Phật tử đến chùa không được biến những vị sư này thành những thần thánh, hãy chỉ coi họ là thầy giáo, và kính trọng họ như kính trọng những vị thầy giáo (nếu họ có đức hạnh). Xin nhớ rằng, họ không có quyền năng gì trong việc ban phước giáng họ cho ta cả; cái lợi ích (nếu có) thì là do sự chân thành học hỏi và kiên trì thực hành đúng phương pháp từ lòng nhiệt thành giảng dạy của thầy chùa mà có.

2. Tư tưởng Phật giáo

Tu là sửa mình, sửa lại cái sai bằng cách suy nghĩ, nói năng, hành động đúng.


Nếu tính cả Kinh, Luật, Luận thì hệ thống sách vở của Phật giáo sẽ “chất cao như núi”, làm nản lòng những ai muốn bước vào tìm hiểu. Nhưng dù phức tạp và uyên áo mà trí tuệ thông thường khó có thể lãnh ngộ hết được thì Phật giáo vẫn khá sáng sủa chỉ với 4 chữ: khổ - tập - diệt - đạo (Khổ - Tập là nguyên nhân của khổ - Diệt là trạng thái hết khổ - và Đạo là con đường thực hành để đạt tới hết khổ). Đây là “4 sự thật cao quý” – hay còn gọi là 4 chân lý căn bản, và người phật giáo phải hiểu được một cách thấu triệt để ra khỏi những nỗi khổ của đời sống.

Khổ đế là sự thật (chân lý) về đời sống: đời nhìn chung là khổ, từ 8 nỗi khổ căn bản cho đến trăm ngàn nỗi khổ, vô biên nỗi khổ. Những nỗi khổ này bị gây ra bởi những tập khí – thói quen sai lầm của con người cả trong hành động, nói năng, suy nghĩ, tình trạng này được gọi chung là Vô minh – không thấy được ánh sáng của sự thật nên tạo tác sai lầm. Diệt là trạng thái hết khổ - trạng thái Niết Bàn của tinh thần, khi đạt tới trạng thái này con người đồng nghĩa với giác ngộ và đạt tới niềm phúc lạc vô biên – một thứ hạnh phúc chân thật. Đạo là con đường thực hành để dẫn ra khỏi khổ đau. Nếu Tập là “tà” thì đạo là “chánh” – phải tư duy đúng đắn, thấy đúng đắn, nói năng đúng đắn, hành động đúng đắn…

Tất cả các tông phái Phật giáo (Thiền, Tịnh, Mật, Thiên thai, Duy thức…) dù có những sai biệt trong tư tưởng và đường lối thực hành nhưng vẫn không ra khỏi tư tưởng nền tảng như đã trình bày.

3. Tu Phật

Tu Phật là gì? Tu là sửa mình, sửa lại cái sai bằng cách suy nghĩ, nói năng, hành động đúng. Tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền, cúng dường…sẽ không phải là tu nếu nó không lấy việc sửa mình làm mục đích. Nếu một người Phật tử làm một hành động nào đó, như ăn chay chẳng hạn, để mong được ban phước (hay được phước đức) thì đó không phải là một người Phật giáo. Cái ý muốn ấy là ý muốn của kẻ tham lam và ích kỉ, chỉ muốn đổi chác bằng cách bỏ ít để lấy nhiều; nó đồng thời là một sự mê tín khi không hiểu rằng ăn chay là cách nuôi dưỡng tình yêu thương với động vật, lòng yêu thương ấy sinh ra năng lượng tích cực và niềm hạnh phúc tự sinh khởi từ tâm ý tốt lành ấy; con người sống tốt lành, vô cầu vô dục thì trí tuệ sáng suốt, và đồng thời sẽ nhận được tình yêu thương từ mọi người mọi vật. Vì thế mà cuộc sống mỗi ngày một hạnh phúc và tốt lành hơn.

Vậy thì tu cái gì? chỉ có 3 chữ: Giới – Định – Tuệ. Giới là sự ngăn giữ mình trong khuôn khổ đạo đức để không phạm vào những tội ác (giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối...); Định là làm cho tâm yên ổn lại bằng cách trụ vào 1 đối tượng nào đó (ví dụ như trụ vào hơi thở - luôn biết hơi thở vào - ra chứ không để ý nghĩ lang thang chỗ khác) để đạt tới trạng thái quân bình. Tuệ là quan sát, suy nghĩ, tư duy đúng đắn – phải thấy biết được bản chất của thế giới và đời sống một cách chân thật (thấy được sự dời đổi vô thường, thấy được bản chất của đời sống là khổ, thấy được cái “tôi” là giả...)

Tất cả mọi tông phái của Phật giáo đều là tu Định, tức làm cho tâm an trụ lại, chứ không để bị rơi vào tán loạn, rong ruổi mà đánh mất “chánh niệm”. Niệm Phật (Nam mô A Di Đà Phật) không phải là kêu tên cho Phật nghe, hay kêu Phật đến giúp (!) mà là làm cho tâm an trụ vào câu Phật hiệu này, và chỉ an trụ vào câu Phật hiệu, không để ý nghĩ lang thang. Niệm lâu ngày thì từ cái tâm lăng xăng nhảy nhót dần “thuần” lại, tức “định” lại, đạt tới “nhất tâm bất loạn”. Khi tâm định lại rồi thì trí tuệ sẽ sáng suốt, như nước lặng thì mặt trời hiện, mây tan thì mặt trăng tỏa rạng.

Xin nhớ rằng, mọi sự thực hành trong đường lối của Phật giáo là đều nhằm để khắc chế cái tâm động loạn và vô minh này. Và mọi sự “tu hành” phải lấy việc hướng nội làm tông chỉ. Hướng ngoại tìm cầu đều là đường tà. Cho nên mới có câu “Phật tại tâm” là vì thế.

Nhưng tại sao? Phật giáo giải minh rằng: Mỗi người đều vốn có trí tuệ sáng suốt viên mãn (tức là có tâm phật), nên Đức Phật Thích Ca mới nói “ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”, chỉ cần nỗ lực, siêng năng đúng phương pháp thì sẽ khai mở được cái trí tuệ đang bị vùi lấp bởi vô minh kia (tham sân si) mà đạt tới trạng thái tâm sáng suốt và hạnh phúc chân thật (gọi là Niết Bàn).

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”.


Như thế, Phật giáo chuyên chở một tinh thần nhân bản sâu xa và tư tưởng tự do tiến bộ mà ở đó con người được đề cao với địa vị chưa từng có. Và những người Phật giáo phải tự tin và tự lực mà khai mở lấy cái trí tuệ vô giá đang bị chôn lấp kia chứ không phải ném cuộc đời mình cho Phật hay Bồ Tát nào cả.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Cái sự “không hiểu” này, cộng với thói tham lam cố hữu đã biến một số người theo Phật giáo thành những kẻ mê tin dị đoan, biến một tư tưởng tiến bộ và đầy nhân văn thành một thứ tôn giáo mà ở đó cuộc sống của mỗi người lại bị ném ra cho những vị thầy (Phật) của mình. Phật - vị thầy giáo trí tuệ đã bị những người "theo Phật" biến thành một thần linh có khả năng ban phước giáng họa! Họ đã không muốn trở thành con người tự chủ, tự do; mà ngược lại, từ trong vô minh, họ đã biến mình thành những nô lệ của lòng tham, biến mình thành kẻ yếu hèn và bạc nhược khi gửi gắm cuộc đời mình cho những “thế lực” bên ngoài.

Người đến với Phật giáo là để thành tựu lý tưởng tự do; trở nên sáng suốt hơn, dũng khí hơn chứ không phải để sống kiếp ăn mày nơi cửa Phật. Tình trạng mê tín mịt mù trong xã hội Việt Nam ngày nay cần phải được tẩy uế bằng cách rọi ánh sáng của chánh pháp và tiếp nhận các thành tựu của khoa học nhân loại như Phân tâm học, vật lý lượng tử... để mong cứu chuộc lấy nhân tâm.

Trách nhiệm ấy thuộc về những người quản lý, những nhà khoa học và những nhà giáo chân chính như là một cách thực hành từ bi đối với chúng sinh theo lời Phật dạy. 

Thái Hạo

https://phatgiao.org.vn/tom-luoc-ve-phat-giao-de-hieu-nhat-d44950.html

9 tháng 6, 2021

CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG HỔ BẰNG GỖ MÍT

 
Chuyện làng chơi:

 

CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG HỔ BẰNG GỖ MÍT

 

 

Cớ sao em chẳng đến cùng anh

Bởi canh hổng ngọt, cơm không lành

Cà hết giòn dai, dưa chưa chín

Hay hành khô héo, ớt còn xanh…?

 

Cọp vàng thong thả vênh râu ngóng

Dáng vẻ nhu mì, mắt long lanh

Một chín sáu hai đồ sành cỗ

Vẫn mãi chờ em đến cùng anh…

 

Đó là mấy câu thơ viết vội, để tôi tỏ lòng biết ơn cho người đã quý mình. Trong đó, cái ý hờn trách "sao không đến" trong khổ thơ đầu là tôi muốn nói về anh chị TH ở Ái nghĩa ngày xưa, cũng từng hờn trách tôi, hệt như vậy. Xin chia sẻ lại về những kỷ niệm xưa…

Đó là bức tượng gỗ khắc hình con hổ, với một dáng vẻ rất lạ, hiếm thấy trên các hình tượng nghệ thuật về hổ: Thân thiện và hiện hòa. Mỗi khi bình tâm ngồi ngắm là tôi không khỏi bồi hồi nhớ về những kỷ niệm xa xưa, khi còn công tác tại Đại Lộc. Lúc bấy giờ, là một cán bộ tín dụng nông thôn nghèo, cùng với chiếc xe đạp cà tàng, ngày ngày tôi đã phải len lõi khắp các vùng quê, để làm nhiệm vụ…

Lúc bấy giờ, có một gia đình làm ăn nhỏ, ở trong xóm nhỏ của thị trấn. Anh chồng làm thợ mộc còn chị vợ thì làm đậu khuôn, bán chợ… Tôi đã đến nhà rất nhiều lần để thẩm tra cho việc đầu tư tín dụng. Số tiền ngân hàng được tôi đề xuất cho họ vay cũng không nhiều (hình như khoảng chục triệu gì đó) nhưng với họ nó rất quan trọng, là lẽ sống, là bát cơm manh áo cho cả gia đình nheo nhóc đến 4 đứa con thơ. Thế là, biết ơn cán bộ ngân hàng, anh chồng mỗi khi gặp là cứ nằn nì mời tôi đến nhà để… đãi ăn một bữa, theo lời anh là phải "cho thật đàng hoàng". Song vì nhiều lý do, tôi cứ hẹn lần, hẹn lữa mà chưa bao giờ đến được.



Cho đến một hôm, vì quá cảm thương cái sự nhiệt tình của họ, tôi đã đến. Và đã được họ đãi cho một bữa… mì Quảng ra trò. Nhưng điều muốn kể ở đây là cái xưởng mộc của anh đã khiến tôi mê mẫn về những thứ anh có. Ngoài các vật dụng như bàn ghế, giường, tủ đóng cho khách ra, anh còn làm cả những bức tượng nghệ thuật để chơi. Và đây chính là thứ đã khiến tôi đã phải… bận lòng.  Nhìn thấy tôi mê mẫn với những tác phẩm lạ đó, anh chồng tỏ ra rất vui. Anh kể, anh mê điêu khắc từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ được học nghề. Đến khi có gia đình, sống bằng nghề mộc, mỗi khi gặp được khúc gỗ nào có hình thù vừa ý là anh dành riêng để mày mò làm tượng. Tác phẩm đầu tay của anh được chế tác từ một gốc mít, có hình một con hổ ngồi. Khi được giới thiệu tác phẩm này trong nhà anh, tôi đã nhận ra ngay nó. Vì trước đó, nó từng được trưng bày ở quán ăn của chị T và anh L (Ngã tư Ái Nghĩa)  là một quán "nhậu" mà tôi vẫn thường lui tới với bạn bè hoặc trong những dịp cùng được tiếp khách cơ quan. Do chủ quán có quan hệ họ hàng với anh, nên họ mượn để trưng bày cho đẹp. Tôi nhớ, thời gian trưng bày ở quán này rất lâu, đến vài năm, nên những ai từng công tác tại Đại Lộc vào những năm 1990-1995 chắc hẳn sẽ không quên được nó. Theo lời anh, chưng quán mãi cũng chán, anh lấy lại và đặt ở một vị trí trang trọng trong nhà…



Lần gặp nhau hiếm hoi đó, từ lòng quý mến, anh đã mang cái tác phẩm đầu tay của mình là bức tượng hổ đó để tặng tôi. Tôi không nỡ nhận nhưng cả hai vợ chồng đều xúm lại nằn nì…

Thế là, từ khi được tặng, qua rất nhiều lần chuyển chỗ ở, từ Đại Lộc vào Tam Kỳ, rồi mấy bận dời nhà, tôi cũng đều chú ý mang theo bức tượng gỗ hình con hổ này. Nó từng được tôi ghép cảnh chụp ảnh "thuê" trong mỗi dịp tết để kiếm thêm thu nhập trong những năm nghèo khó, gian nan. Thế nên, tôi rất quý nó, chưa bao giờ có ý định rời xa nó, dù với bất cứ lý do gì. Và cho đến bây giờ tôi vẫn xem nó như một thành viên thực thụ của gia đình vậy.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Hơn hai mươi năm rời đất Ái Nghĩa vào sinh sống tại Tam Kỳ rồi. Những năm đầu, tôi cũng đã có đôi lần về lại chốn cũ để tìm anh, chị. Nhưng có lẽ vì thời gian ngắn ngũi, mà cảnh trí thì đã lạ lẫm đi rất nhiều. Ái nghĩa đã có sự thay đổi rất lớn, nhất là sau lần quy hoạch tổng thể, chỉnh trang đô thị hồi 2005-2010, nên tôi không thể nào tìm thấy lại họ.

Bây giờ ngồi ngắm nhìn bức tượng, với một nét hiền hòa thân thiện hiếm gặp trên hổ mà lòng tôi rất đỗi mênh mông. Nhớ về những kỷ niệm xa xưa, lặn lội xóm làng, chơi thân với rất nhiều gia đình lam lũ, bổng tôi nhớ đến gia đình anh chị quá chừng. Tôi tự thấy mình có lỗi. Giá như trước đây mình tận tình, chịu khó hơn một chút, có lẽ đã gặp lại. Mong cho dịch dã chóng qua, nhất định tôi phải có một lần về lại chốn cũ và tìm được anh chị, để nói lại lời cảm ơn, dẫu có quá muộn màng.

Nhất định phải như thế. Chỉ cầu mong cho gia đình anh chị và cả tôi đủ sức khỏe để có ngày gặp lại…

 

Tam Kỳ, 09/06/2021

Lê Thạnh




15 tháng 4, 2021

Vọng cổ:

 TÂM SỰ DỊ LÃO YÊU CÂY

( Soạn lời: Lê Thạnh - Dị nhân Bonsai Ngược)

 

Thơ

Thì mắt, thì đầu, cũng lỗ tai

Làm cây thì nghịch thế hổng giống ai

Sớm mai tất tả xuôi vòi tưới

Chiều tà tha thiết, ngược bonsai…

 

Thơ Vân Tiên

Yêu cây yêu cả cuộc đời,

Yêu em yêu cả nụ cười trên môi

Những khi còn lại đơn côi

Một mình ta phải bồi hồi nhớ thương.

 

 

Nhưng đời còn lắm tơ vương

Gia đình, sự nghiệp, quê hương, bạn bè

Làm trai phải biết lắng nghe

Cho tròn chữ đạo, mới vẹn bề đàn ông…



Clip Vọng cổ Tâm sự Dị lão yêu cây (tự biên, tự diễn)

 

Vọng cổ

Câu 1: Cuộc sống văn minh thời đại 4.0 nhiều áp lực, nên người ta phải tìm những thú vui để tạo thế cân bằng.

Đá cảnh, bonsai, hay cờ bạc, rượu chè…

Có  thú vui luôn làm cho ta thăng hoa cảm xúc. Nhưng cũng có lắm trò nó giết mình còn nhanh hơn cả súng và gươm.

 

Trong cuộc mưu sinh, để vẹn tròn chữ đạo, lão đã chọn thêm cho mình niềm vui thú cùng cây. Cũng như những khế ước yêu đương, dẫu viên mãn tới đâu vẫn phải còn trăn trở…


             

Thơ Vân Tiên

Câu 2: Chuyện đời tất bật, lo âu

Kẻ mơ chức tước, người cầu giàu sang

Lão đây đã trót đa mang

Chỉ mong yên ổn, không ham bạc vàng.

 

Lão chẳng mơ xa, cũng không kỳ vọng chốn quan trường…  

Cơm nước đơn sơ, ngày tròn ba bữa. Áo xống đàng hoàng, chớ hổng diêm dúa như người ta…

 

Mặc dù đã sắp về hưu

Vẫn còn chu chỉnh vẹn toàn như ai

Cà phê sáng. Nhưng bia rượu chỉ lai rai

Khi cần thơ, nhạc thì chuẩn bài, hót men….

 

Nói lối

Cà phê, trà, rượu, đá, bonsai

Ngẫm phận đàn ông cũng đắng cay

Bớt được món nào hay món nấy

Hết đường thì lão giữ lại món cây…

 

Thơ Vân tiên

Trời cho làm gã đàn ông

Nên tôi mới vướng phải lòng người ta

Chỉ vì yêu một sắc hoa

Nên tôi mới phải la cà ngẩn ngơ!

 

Phiêu diêu từ cõi mộng mơ

Nên tôi như một gã khờ chơi vơi

Chạnh lòng tính sổ với đời

Mới hay cả vốn lẫn lời có dư…


 

Vọng cổ

Câu 5: Mấy chục năm qua sau ngày rời quê hương bản quán. Lão đã trải qua biết bao nhiêu mối tương giao nhiều hiềm khích, cùng với những tấm chân tình…

 

Mỗi bước gian nan, luôn soi xét lại mình.

Bất giác lão soi gương mà nhìn lên mái tóc, qua những vật đổi sao dời,  nó cũng đã hóa trắng tinh.

 

Lẽ đời ngân nghĩa phải trung trinh

Danh vọng tiền tài dám coi khinh

Mai sau mọi thứ tan thành khói

Còn mãi trong ta một chút tình…

 

Câu 6: Hò ơ….

Có đôi khi vui chẳng tày gang

Chỉ một câu nói nát tan cõi lòng

Tìm đâu trong cõi mênh mông

Gào lên một tiếng…

Hò ơ. Gào lên một tiếng cho lòng nhẹ vơi…

 

Vẫn biết đau khổ vì cây

Mà sao tôi vẫn đêm ngày thương yêu

Thì thôi tuổi cũng xế chiều

Trót lỡ rồi, xin được yêu thương cho tới hết cuộc đời.

 

Mai sau hoa vẫn là hoa

Cùng đời ở lại tôi qua một mình

Mai sau cây vẫn lung linh

Cùng người ở lại một mình tôi đi./.




12 tháng 4, 2021

GIẢN DỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CUỘC ĐỜI CỦA CỤ ÔNG BÁCH NIÊN TRƯỜNG THỌ - 2021.

 

 




Cụ tên khai sinh là Lê Chủng, ở quê xưa thường gọi là ông Bảy Chủng, sinh ngày 10/01/1921 tại làng Khánh Vân, thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là con thứ 7 trong một gia đình có đến 10 anh em ruột.  

Sinh thời, vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, tại một vùng quê hẻo lánh thuần nông nên cụ chỉ được học đến hết cấp "yếu lược" (cấp học thời xưa, tương đương với lớp 5, tiểu học ngày nay) rồi nghỉ học, đi làm nông cùng với cha mẹ. Đến khoảng năm 1951 cụ lấy vợ (mẹ của chúng tôi), là người ở xã Lộc Phong (Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam ngày nay).

Khoảng những năm 1952-1953, theo sự động viên của tổ chức Việt Minh, cụ tham gia Kháng chiến chống Pháp, nhập ngũ vào Vệ Quốc Đoàn, để vợ trẻ ở nhà với cha mẹ. Theo lời kể của cụ khi còn trẻ, với tư cách là bộ đội Vệ quốc đoàn, thuộc Trung đoàn 108, cụ tham gia Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 ở Chiến trường Bắc Tây Nguyên, từng trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của cụ Nguyễn Bá Phát (Anh hùng Lực lượng Vũ trang, người Đà Nẵng, đã mất), lập công trong chiến dịch đánh vào Đồn Pháp ở Kon-Plông (Kon Tum) đầu năm 1954. Sau đó, nặng nợ gia đình, cụ xin giải ngũ về lại quê hương ở Đại Lộc, Quảng Nam.

 

 


Giai đoạn từ năm 1954 trở về sau, vùng quê Đại Lộc, Quảng Nam trở thành khu vực giáp ranh, tranh chấp khốc liệt giữa ta và địch. Cụ tham gia làm "dân quân" tình nguyện tiếp lương cho bộ đội, bí mật trực tiếp nuôi quân chống Mỹ (nuôi dấu bộ đội trong nhà) và đóng góp tiền, gạo vào quỹ nuôi quân ở địa phương. Trong thời gian này, cụ từng nhiều lần bị quân Mỹ nghi ngờ là "VC", đã bắt bớ, đánh đập, khủng bố nhưng tuyệt nhiên, cụ không có bất cứ hành vi nào gây bất lợi cho Cách mạng…

          


Đến những năm 1967, 1968, chiến tranh diễn ra tại địa phương quá ác liệt, cụ đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống.

Sau đó, qua nhiều cuộc bôn ba vì mục đích mưu sinh, bảo bọc gia đình, trong thời chiến tranh, cụ chỉ chú tâm làm ăn lương thiện (Sài Gòn 1967-1973; Đà Nẵng 1973-1974; Thủ Đức-Gia định 1974-1975) không tham gia gì cho địch và luôn hướng tâm về Cách mạng.

Sau ngày Thống nhất Đất nước, tháng 4 năm 1975, cụ đưa gia đình về lại quê hương tại Đại Lộc-Quảng Nam (1975-1980). Sau đó, vì lý do kinh tế, chuyển vào Xuân Lộc-Đồng Nai (1980-1991), rồi hồi hương về lại  Đại Lộc-Quảng Nam (1991-2002). Và cuối cùng, đến  năm 2002, khi tuổi cao sức yếu, hai cụ cùng vàoTam Kỳ-Quảng Nam sống với gia đình con trai (người viết bài). Qua tất cả các giai đoạn đó, chủ yếu cụ chỉ làm nông để lo cho gia đình và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật Nhà nước.

Trong suốt cuộc đời, trải qua các giai đoạn lịch sử, qua rất nhiều cuộc chuyển dời, cụ vẫn luôn giữ vững khí tiết của một Con Người Chân Chính, luôn là công dân gương mẫu, hiếu đạo với tổ tiên ông bà, mẫu mực và trách nhiệm với gia đình, con cháu, không gây thù oán với bất cứ ai. Đặc biệt là tấm lòng hy sinh vô bờ bến của cụ đối với đàn con thân yêu. Cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, bao giờ cụ cũng cứ nhận lấy phần đau khổ, thiệt thòi về mình để lo cho con ăn học ăn học đến nơi, đến chốn. Về phẩm chất, giá trị của cụ, gia đình chúng tôi xin được đúc kết gói gọn trong hai từ: Giản dị và Trách nhiệm.


 

Đến nay, gia đình chúng tôi vẫn còn lưu giữ được của cụ những tài liệu mang tính lịch sử: Thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968 (bản gốc) do Cách mạng lưu truyền trong vùng địch, được cụ bí mật lưu giữ, đến nay vẫn còn; Quyết định chi trả một lần về tham gia Kháng chiến, các bằng chúc thọ của Hội Người Cao tuổi, v.v…

Ngoài ra, cụ cũng từng được tuyên dương công trạng tại Trận đánh thắng Đồn Pháp Kon – Plông (1954), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1976), v.v…  nhưng đến nay, qua nhiều thời kỳ lịch sử, tất cả đều đã thất lạc, gia đình không còn lưu giữ được…

Năm nay – 2021, cụ tròn 100 tuổi, sức khỏe vẫn còn tương đối ổn định, gia đình chúng tôi rất lấy làm vui mừng. Tuyệt vời hơn, được sự quan tâm của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, chúng tôi thực hiện hồ sơ đề nghị xác lập bằng Bách niên Trường thọ cho cụ. Với sự kiện này, gia đình chúng tôi rất lấy làm vinh dự được có thêm một việc làm báo hiếu cho cụ. Chúng tôi xin trân trọng gửi đến Quý Lãnh đạo và tập thể CBVC Tổ chức Kỷ lục Việt Nam lời cảm ơn sâu sắc, cùng lời chúc sức khỏe, thành công.