5 tháng 10, 2010

Chuyện ly kỳ về “Chiếu dời đô” kỷ lục làm từ 100 tấn ngọc quý



100 tấn ngọc quý, 3 năm ròng rã trăn trở nghiên cứu mẫu và chế tác… cùng biết bao những câu chuyện ly kỳ về tác giả của bản “chiếu dời đô” bằng ngọc quý lớn kỷ lục.


Công cuộc “săn”… ngọc
Chúng tôi tìm gặp ông chủ của 100 tấn ngọc Casêđôn khi anh đang cùng những đồng nghiệp của mình hoàn thành những công đoạn cuối cùng của bản “Chiếu dời đô” bằng ngọc quý lớn kỷ lục. Công trình “chiếu dời đô” bằng ngọc được xây nốt phần móng trụ để chuẩn bị trưng bày trong Hoàng Thành Thăng Long trong thời gian diễn ra Đại lễ.
Anh Lê Xuân Phương bên bản “Chiếu dời đô” lớn kỷ lục làm từ ngọc quý
Anh Lê Xuân Phương bên bản “Chiếu dời đô” lớn kỷ lục làm từ ngọc quý
Tác giả của bản “Chiếu dời đô” là anh Lê Xuân Phương, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp và doanh nhân Đông Nam Á. Xuất phát từ lòng yêu quý Thủ đô và nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội “nghìn năm mới có một lần”, anh đã cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp quyết tâm chế tác thành công bản “Chiếu dời đô” đặc biệt để dành tặng cho Hà Nội. Ý tưởng chế tác “Chiếu dời đô” làm từ ngọc đã được anh Phương ấp ủ từ năm 2007, khi còn 3 năm nữa mới tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. 
Công cuộc “săn” …100 tấn ngọc quý
Từ việc chọn đá, chọn mẫu, chế tác hay ý tưởng tạc một trang của chiếu dời đô lên tảng ngọc quý, đều do anh Phương tự lên kế hoạch và cất công tìm người thực hiện. Từ những ngày đầu bắt tay thực hiện công trình lớn, anh đã tự nhủ là sẽ đặt toàn bộ tâm huyết và công sức vào đó. Bước đầu tiên và cũng khó khăn nhất là việc chọn nguyên liệu.  Được sự góp ý và tư vấn của bạn bè, người thân, anh Phương lập tức bắt tay ngay vào công cuộc “săn”…ngọc. Tảng đá quý nặng 100 tấn là do anh cất công từ Bắc vào tận Bảo Lộc, Lâm Đồng đặt mua, sau khi đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm. 
Là một người đã có 30 năm tiếp xúc và trực tiếp chế tác trên ngọc, anh Phương nhận thấy loại ngọc dùng để chế tác bản chiếu dời đô phải là một loại ngọc đặc biệt. Và với kinh nghiệm tích luỹ trong 30 năm của mình, anh Phương rất ưng ý với loại ngọc Casêđôn. Casêđôn là một loại thuộc dòng ngọc bán quý, có độ cứng cao, ít bị bào mòn bởi thời gian, rất thích hợp với việc lưu giữ và trưng bày “Chiếu dời đô” sau này.
Mặt trước của “Chiếu dời đô” bằng ngọc có tạc một trang của “Chiếu dời đô” cùng hoạ tiết Rồng thời Lý
Mặt trước của “Chiếu dời đô” bằng ngọc có tạc một trang của “Chiếu dời đô” cùng hoạ tiết Rồng thời Lý
Đối với những người sành ngọc nói chung thì Casêđôn là một loại ngọc bán quý, không quá khó tìm, nhưng để có được một viên ngọc có kích thước đúng như yêu cầu là cả một thách thức lớn. Nhờ vả những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, cuối cùng anh cũng đã có thông tin đầu tiên về một tảng ngọc Casêđôn quý giá ở Myanmar. Đáp máy bay sang Myanmar, lặn lội tìm đến tận địa chỉ có ngọc nhưng cuối cùng anh lại chỉ thu về… nỗi thất vọng khi thấy viên ngọc quá nhỏ so với dự kiến.
Khi đang gặp bế tắc trong vấn đề tìm ngọc, thì thật bất ngờ, anh lại có thông tin về một viên ngọc Casêđôn cỡ lớn ở ngay tại Việt Nam. Mừng như bắt được vàng, anh Phương vội vã tìm đến địa chỉ chủ nhân viên ngọc ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Khi tận mắt nhìn thấy viên ngọc, anh đã quá vui mừng và nhận ra đây chính là thứ mình cần, là chiếc “Chiếu dời đô” kỷ lục vô cùng đặc biệt sẽ có mặt tại Hà Nội trong dịp Đại lễ sắp tới.
Gãy cẩu, đứt cáp vì “Chiếu dời đô” quá… “khủng”
Tìm được nguyên liệu nhưng quá trình di chuyển viên ngọc về xưởng sản xuất tại Hà Nội cũng gặp phải không ít khó khăn. Viên ngọc nguyên bản có chiều dài 6,9 mét, rộng 4,9 mét, nặng 100 tấn. Trong khi dùng cần cẩu di chuyển, do kích thước quá lớn nên đã khiến cẩu đứt cáp và gẫy, viên ngọc cũng vì thế mà bị hao hụt ít nhiều. Qua những chặng đường vất vả, khi mang về tới xưởng chế tác, viên ngọc chỉ còn 19 mét khối.
“Chiếu dời đô” đang trong giai đoạn hoành thành, chuẩn bị triển lãm tại khu vực sân Hoàng thành Thăng Long
“Chiếu dời đô” đang trong giai đoạn hoành thành, chuẩn bị triển lãm tại khu vực sân Hoàng thành Thăng Long
Tìm được nguyên liệu quý đã khó, nhưng phần chế tác cũng khiến anh Phương và các cộng sự phải không ít phen “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. 30 nghệ nhân và thợ làm việc trong xưởng ngọc của gia đình anh phải thay phiên nhau túc trực liên tục 24/24 giờ để làm cho kịp tiến độ. Những người thợ tuổi đời còn rất trẻ nhưng khi tận mắt chứng kiến sự nhiệt tình và tấm lòng muốn đóng góp và cống hiến hiện vật có ý nghĩa cho đất nước, đã tình nguyện làm không nhận lương và ngày đêm cùng anh chế tác thành công bản “chiếu dời đô” kỷ lục.
Lần đầu tiên làm việc với một viên đá quý có kích cỡ lớn như thế, lại là một công trình quan trọng có ý nghĩa với cả nước, nên những người thợ và nghệ nhân cũng gặp không ít áp lực. Anh Hoàng Anh Tuấn, thợ cả chịu trách nhiệm chính trong xưởng chế tác ngọc của anh Xuân Phương chia sẻ: “Khi mang đá về, chúng tôi đã bỏ rất nhiều thời gian để khảo sát và mài thử trước rồi mới dám bắt tay vào thực hiện trên đá thật. Lại thêm thời gian quá gấp nên số thợ cũng được huy động tối đa cho kịp ngày bàn giao sản phẩm. Lúc nào ở xưởng cũng có từ 10-12 thợ cùng đội ngũ phục vụ làm việc không kể ngày đêm.”
(còn tiếp)
Thu Hương
(Báo Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét