Rượu Hương Mai Đại Lộc - Xuân Nhâm Thìn |
Thần Anh
Giữa Mùa Nguyên tiêu, tình cờ tôi đọc được bài "mùa thu uống rượu cúc" trên một trang mạng. Ngỡ ngàng vì có những điểm rất giống mình ở cái cảm về rượu. Trước khi có bài chia xẻ về rượu Hương Mai, xin giới thiệu với bạn đọc "Rượu Cúc" của tác giả Thần Anh.
(Lê Thạnh - Comaihoa)
Rủ nhau đi khắp Hà Nội, vào khắp các quán rượu dân tộc may ra tìm được hai quán có rượu cúc, quán Hoàng Hoa Tửu ở phố Khâm Thiên và quán Tứ Hải ở gần Hồ Tây. Rượu cúc có hai loại: loại hoàng cúc và loại bạch cúc. Thực ra nhà hàng toàn dùng cúc Tầu để ướp hương cúc rõ nhưng gắt, uống thành thử sốc, người hay rượu cũng chỉ một be là mặt đỏ lựng lên rồi. Bạch cúc hương không đượm bằng hoàng cúc, nhưng lên rượu hoàng cúc sắc lại hơn nên đắt hơn, chứ thực tình hai loại chẳng khác gì nhau cả. Nhưng viết ra vậy mới biết là ngay cả rượu cúc bây giờ cũng ngoại hoá đi nhiều.
Ướp rượu cúc bây giờ thì đơn giản, ra phố thuốc bắc mua hoa cúc của Tầu về, hoa cúc tầu là tối ưu nhất, vì hoa to cánh hoa đẹp, đượm hương mang về nhà ngâm vào trong bình rượu cồn hoặc rượu gạo nồng độ cao như ngâm thuốc bắc, ngâm độ một tuần là lọc hoa ra có thể đem ra uống được. Cúc ta hay gọi la cúc chi, hay kim cúc, không đượm hương được bằng nên chẳng ai dùng.
Như tôi đã cũng một lần ngâm cúc chi thì mới thấy khó khăn hơn nhiều, cách này là của một người bạn, nói bạn cũng là hơi xấc vì ông năm nay đã hơn bẩy mươi, tôi hai mươi nhưng vì chơi với nhau nên tôi gọi là bác. Hoa cúc bóp cho nát chỉ lấy những nhụy hoa đem sàng cho thật kỹ thì mới ngâm rượu, ngâm xong để bẩy bẩy bốn chín ngày cho rượu thấm hương cúc. Hoa cúc nước mình kém hương nên phải để lâu, trước khi uống, vợi ra hai nài một nài ngâm thêm ít cam thảo nam, uống ngọt ngọt, một nài thì để nguyên, màu rượu vàng sánh, uống một hụm không hề thấy gắt, tâm thật tĩnh thì mới thưởng được hết hương cúc trong chén. Uống rượu cúc không nên uống có đồ nhắm, cùng lắm là thêm vài lát xoài xanh hoặc dăm hột lạc. Ngồi trên một hiên nhà tranh trước mặt là một giàn mướp trông ra hồ Tây trong một chiều thu, hơi lất phất những cơn mưa ngày thất tịch, tưởng chừng không có gì khoái hoạt bằng.
Nâng chén rượu cúc trong tiết lập thu...
Ngẫm ra mới thấy buồn vì ngày nay cái văn hoá phương Tây ăn sâu vào đời sống của dân mình nhiều quá, ngay cả cách hưởng thụ thôi cũng thể hiện cả một thế giới quan của người Tây phương rồi. Uống rượu bổ, uống rượu nghĩ đến mình, uống rượu để hưởng thụ cuộc sống, uống rượu trần tục để gieo nghiệp vào mình, một chén rượu mất bẩy loại rắn, một chén rượu mất nguyên con gấu, một chén rượu phải mổ bụng khỉ đang có mang để lấy bào thai, một chén rượu phải lấy nguyên một tổ ong đất.
Trong khi đó chén rượu cúc thì chẳng mấy ai hay, đạo thiền sinh ra từ chén rượu, uống rượu mà cảm được thiên nhiên, được trời đất, giao hòa lại như trong một nhất thể, uống rượu mà thấy thiên nhiên đẹp quý vô cùng, uống rượu mà nâng niu cuộc sống, trân trọng cuộc sống... a các cụ ta không dưng là làm nên bài Tứ thời để dạy cho con cháu cách chơi, hưởng thụ cuộc sống:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
Có nghĩa là: mùa xuân thì đi chơi ngắm hoa cỏ đất trời, mùa hạ thì thưởng sen trong hồ, mùa thu uống rượu cúc, mùa đông ngâm thơ ngắm tuyết trắng. Cách chơi với thiên nhiên đó, trân trọng thiên nhiên đó của các cụ mới xem như là “Chơi cho đài các cho người biết tay”.
Nói đến đây, chị bạn tôi lại phản biện rằng: Cái cảnh tứ thời ấy là ở Trung Quốc chứ đâu phải là của nước mình.
Đúng là cái lối nói mùa đông ngắm tuyết thì xứ nực như ta nào có được. Dẫu cho nền văn chương cử tử cũ cuả nước ta gò con người ta vào những cảnh ước lệ, tượng trưng của văn chương Tầu thì không có nghĩa là chúng ta không chơi được như Tầu.
Bên Tầu, trong dịp tết trùng cửu, tết mùng 9 tháng 9 âm lịch (chữ cửu cửu gần với âm chữ cúc cửu nên trong dịp này người ta hay uống rượu cúc chăng?). Vả lại tháng 9 cũng là tháng hoa cúc, người ta gọi là tháng cúc cửu, tháng này hoa nở rộ nên hoa cúc đôi khi còn được gọi là hoa cửu. Cũng theo một cách giải thích khác cho thú uống rượu hoa cúc là có ông Đào Tiềm – một nhà thơ ẩn dật nổi tiếng của Trung Quốc với bài ký Đào hoa nguyên nổi tiếng cũng đồng thời là một người yêu hoa cúc, rất thích uống rượu (ở nước ta, trẻ con chỉ biết đến Đào Tiềm qua câu thơ của ông Nguyễn Khuyến trong ba bài thơ Thu có câu: Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào). Thành thử ra, mọi người yêu thơ Đào Tiềm, yêu thơ, yêu nhân cách của ông nên yêu luôn hoa cúc, và món rượu cúc là một thức quý để tưởng nhớ đến thi nhân.
Cho nên có bảo chúng ta học bên Tầu thì cũng là học cái sự trân trọng thiên nhiên trân trọng một lối sống đẹp của thi nhân mà thôi.
Còn thói uống rượu thì chẳng cần học ai, chơi với rượu, dan díu với rượu thì cũng chẳng cần học ai. Nói vậy không phải cứ giàu cứ có tiền là biết chơi cho trọn. Đến quán uống một be rượu cúc chỉ có mười nghìn, trong khi một be nhất dạ ngũ giao hay cửu xà lên tới bẩy chục nghìn. Xem ra để gieo tính thiện vào trong người thì đúng là không thể tính bằng tiền bạc được.
Uống để trân trọng tự nhiên cũng là một cách uống, uống để mà tàn phá thiên nhiên giết hại muông thú cũng là một cách uống. Uống rượu để tạo phật tính cũng là một cách uống, uống rượu để tạo nghiệp cũng là một cách uống, kiến tính thì thành Phật, tạo nghiệp thì luân hồi. Thành phật thì thoát tục căn, còn luân hồi thì tạo quả báo. Xem ra những triết lý đơn giản đó nhiều khi lại ít người hiểu được.
Lại một mùa thu nữa sắp qua với mỗi người. Thu Hà Nội thì đẹp vô cùng, trong một căn gác nhỏ, dăm ba người bạn ngồi với nhau bên một be rượu cúc, đánh một tiếng tờ ngâm lên bài Cảm thu, tiễn thu của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
...
Ngoài hồ Tây chuông chùa Trấn quốc đã điểm khóa kinh sớm...
Theo Internet.
______________________________________
Tài liệu tham khảo:
- Tác dụng của phấn hoa
- Món ngon quê nhà
- Phấn hoa dưới góc nhìn thầy thuốc
- Phấn hoa chữa bệnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét