10 tháng 5, 2023

Ý nghĩa chính thống và duy nhất của một từ thuần Việt: BÍ CẢNH

 



              
            Để hiểu rõ ý nghĩa của một từ thuần Việt, sử dụng các bộ Từ Điển Tiếng Việt thông dụng là giải pháp duy nhất đúng đắn và khoa học. Dưới đây là kết quả tra cứu từ 2 bộ từ điển trực tuyến (Bách khoa toàn thư Tiếng Việt và Từ điển Tiếng Việt Trực tuyến) và 2 bộ từ điển lớn của Việt Nam (Đại nam Quấc âm tự vị và Đại từ điển tiếng Việt) về ý nghĩa chính thống của từ BÍ CẢNH, khi đang có nhiều ý kiến khác nhau về từ ghép này.


1)    Nghĩa của từ "BÍ":

+ Theo Bách khoa toàn thư – Wikipedia tiếng Việt: htpp://www.vi.Wikipedia.org

Bí: Là một từ trong tiếng Việt để chỉ trạng thái bế tắc (ví dụ: bí bách) hoặc tắc nghẽn (ví dụ: bí tiểu, bí thở).

+ Theo Từ điển Tiếng Việt trực tuyến - http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/

Bí: có nghĩa là:

1. dt. (thực) Loài cây song tử diệp cùng họ với bầu, quả dùng nấu canh và làm mứt

2. tt. 1. Tắc, không thông: Bí tiểu tiện 2. Khó khăn, không có lối gỡ được

+ Theo Đại từ điển Tiếng Việt – Tác giả Nguyễn Như Ý (Chủ biên) NXB Văn hóa Thông tin 1998:

Bí có các nghĩa là: “Không thông thoáng, không thoát ra ngoài được”, “Bế tắc, không sao tìm ra lối giải quyết”, “Kín riêng, không công khai” (tính từ) và là “Loài cây lấy quả làm rau” (danh từ).

+ Theo "Đại Nam Quấc âm Tự vị" – Tác giả Huỳnh Tịnh Pulus Của, SaiGon Imprimerie Rey, Curiol & C – Rues Catinat & d’Ormay 1896:

Bí có nghĩa là: “Ngẹt, bít, kín nhiệm” (c) và là “loại dây xanh trái lớn” (n).

Như vậy, có thể tóm tắt nghĩa của từ bí như sau:

"Bí" là một từ thuần Việt, có ý nghĩa tùy thuộc vào hướng sử dụng là danh từ hay tính từ. Là danh từ thì "BÍ" là một loài thực vật, có hoa quả, dùng làm thực phẩm như rau, được trồng nhiều ở Việt Nam. Nếu là tính từ, tì "BÍ" để chỉ trạng thái bế tắc, không thông suốt, không có lối thoát đối với người hoặc vật.

2)    Nghĩa của từ "CẢNH":

+ Theo Bách khoa toàn thư – Wikipedia tiếng Việt:

1. dt. 1.Toàn bộ sự vật trước mắt thu hút sự chú ý hoặc tác động đến tình cảm (cảnh leo teo); Sự việc diễn biến với những chi tiết có liên quan với nhau, gợi nên những phản ứng trong tâm tư, tình cảm (nhớ cảnh giang hồ); Sự tồn tại về mặt vật chất hay tinh thần; tình trạng, thực trạng, tình cảnh (cảnh nước mất, nhà tan); Hình ảnh sự vật được ghi lại bằng phim (cảnh quay); Phần của vở kịch diễn ra trên sân khấu với sự bài trí không thay đổi; Cái để ngắm, để giải trí (cây cảnh).

·  2 dt. Thứ nhạc cụ người thầy cúng thường dùng, gồm một thanh la nhỏ nối vào giữa một cái vòng kim loại, có cán để cầm.

·  3 tt. (H. cảnh: phía trước cổ) ở cổ: Động mạch cảnh.

+ Theo Đại Từ điển Tiếng Việt (đã dẫn):

"Cảnh" có nghĩa là “Tình trạng, tình hình”; “Biên giới, cõi” hoặc “Canh phòng, canh gát”.

+ Theo Đại nam Quấc âm tự vị (đã dẫn):

"Cảnh” có nghĩa là “Kiểng bày ra, cách cuộc bày ra” và là “Cõi, bờ cõi” (c)

Như vậy, các bộ từ điển lớn (đã dẫn trên đây) đều có chung nhận định về ý nghĩa của từ đơn "cảnh": Đó là không gian vật chất hoặc ngữ cảnh tâm lý trong đời sống con người. Ngoài ra "cảnh" còn để chỉ một số loại nhạc cụ, vị trí phía trước cổ trong cơ thể người…

             3) Nghĩa thông dụng của từ ghép "BÍ CẢNH":

Trên các bộ Từ điển thông dụng đã nói trên, không tìm thấy từ ghép "bí cảnh". Tuy nhiên, từ điển không giải thích từ ghép này hoàn toàn không có nghĩa là từ này không tồn tại. Đây là tình huống bình thường xảy ra trong các bộ sách từ điển Tiếng Việt xưa nay, khi từ ghép không có hoặc ít được sử dụng nên tác giả không đưa vào sách. Trong các tình huống đó, nghĩa chính thống từ ghép chính là sự kết hợp nghĩa của các từ đơn hợp lại.

Từ lý do đó, để xác định được ý nghĩa của bộ từ ghép "BÍ CẢNH" là phải thông qua ý nghĩa thông dụng của hai từ đơn "bí" và "cảnh" kết hợp lại. Trên cơ sở các viện dẫn trên đây, ý nghĩa đó được xác định như sau:

Bí cảnh là từ để chỉ trạng thái bế tắc, tắc nghẽn, không lối thoát của một sự vật, một không gian hoặc một trạng thái tinh thần của một thực thể (là con người hoặc sinh vật khác), cho dù thực thể trong trạng thái đó đã cố gắng hết sức để thoát khỏi trạng thái này.

             4) Một dị bản gán ghép về mặt ý nghĩa của từ "BÍ CẢNH":

Qua tìm hiểu, trao đổi với một số nhà sư và người am hiểu về Phật Pháp, từ "Bí cảnh" xuất hiện trong một số tài liệu Phật Giáo là dùng để chỉ một trạng thái siêu thực, có tính cao quý, thanh tịnh trong đạo Phật. Xuất xứ của từ này trong các tài liệu Phật giáo, được cho là phiên âm từ kinh sách cổ, không phải xuất xứ tiếng Việt và cả tiếng Hán. Rất có thể đây là từ phiên âm từ tiếng Phạn cổ.

Tuy nhiên, nếu đây là tiếng Phạn cổ (hoặc bất cứ ngôn ngữ nào khác), lại dùng các âm tiết của tiếng Việt để phiên âm (đọc) và diễn đạt (viết) bằng một ý nghĩa dị biệt với ý nghĩa gốc của từ này thì rõ ràng đây là một sự gán ghép tùy tiện, chưa chuẩn xác và phản khoa học.    

                 5) Kết luận:

Bí cảnh là một từ thuần Việt, được ghép từ hai từ đơn: "bí" và "cảnh", để chỉ một trạng thái bế tắc, tắc nghẽn, không lối thoát của một sự vật, một không gian hoặc một trạng thái tinh thần của một thực thể (là con người hoặc sinh vật khác), cho dù thực thể trong trạng thái đó đã cố gắng hết sức để thoát khỏi trạng thái này.

Trong tiếng Việt, ý nghĩa này của từ bí cảnh là có cơ sở khoa học và duy nhất đúng. Ngoài ra, từ bí cảnh, trong tiếng Việt không có ý nghĩa ngoại lai nào khác. Sự gán ghép một ý nghĩa khác cho từ Bí cảnh, lại dùng chính tiếng Việt để diễn đạt là sự gán ghép tùy tiện, không chính thống, không được tiếng Việt công nhận, cho dù xuất xứ của nó từ đâu.

            Tam Kỳ, 11/05/2023

           Lê Thạnh

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét