2 tháng 4, 2018

CHUYỆN VỀ HOA ƯU ĐÀM

... dù có lý giải bằng cách nào đi nữa, sự xuất hiện của Hoa Ưu đàm trong đời sống con người cũng mang lại những điều thú vị, hiếm thấy. Mà trong Nghệ thuật, cái sự “thú vị, hiếm thấy” đó, không hiếm khi lại là tác nhân để làm nên những tác phẩm giá trị, thậm chí rất giá trị...


      Hoa ưu đàm từ truyền thuyết nhà Phật đến đời sống

     Theo sách Huệ Lâm Âm Nghĩa (Kinh sách Phật giáo), hoa Ưu Đàm Bà la (Udumbara), gọi tắt là hoa Ưu Đàm, có nghĩa là “một loài hoa mang đến điềm lành từ Thiêng đàng”, “là một loài hoa của Trời, trên thế gian không có”. Từ quan niệm nhà Phật, người ta cho rằng, khi Hoa ưu đàm khai nở là một sự kiện mang tính tâm linh, biếu tượng cho sự ra đời của Đức Phật, chỉ xảy ra 3.000 năm một lần…
     Tuy nhiên, đó là trên kinh sách. Còn trong các lĩnh vực khoa học đời sống chưa có tài liệu nào khẳng định sự xác thực của loài hoa này. Chỉ biết rằng, vào những năm cuối của Thế kỷ XX, người ta ghi nhận sự xuất hiện của một số loài “sinh vật lạ” trong đời sống và cho rằng đó chính là… Hoa Ưu đàm tái thế. Những bông hoa Ưu Đàm được cho là lần đầu tiên được tìm thấy ở Hàn Quốc vào tháng 7/1997, trên bức tượng Phật Như Lai của một ngôi chùa Phật giáo ở Kyungki-Do. Bức tượng này được tạo tác bằng chất liệu hợp kim đồng-vàng. Có 24 bông hoa Ưu Đàm dài khoảng 0,245cm mọc trên ngực của bức tượng. Báo chí thời đó ghi nhận hàng trăm người dân đã đổ xô đến để chứng kiện sự kiện hiếm hoi này. Sau đó, người ta còn ghi nhận loài hoa Phật này đã khai nở khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Úc, Pháp, Mỹ, Hongkong...


 Hoa ưu đàm mọc trên Tương Phật ở Kyungki-Do, Hàn Quốc, 1997 (ảnh Internet)
     Riêng tại Việt Nam, vào khoảng năm 2012, người ta chứng kiến có loài hoa lạ liên tục khai nở trên khắp đất nước Việt Nam, ở các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Nghệ An, Đắk Lắk, Phú Yên, Thái Nguyên, Nam Định… Rất nhiều người dân và cả giới báo chí lúc ấy cho rằng Hoa Ưu Đàm huyền thoại đã xuất hiện, báo hiệu những điều rất thiêng liêng và tốt đẹp cho Đất nước. Và, khoảng 1 năm sau đó, (2013) trên một số trang báo lại rộ lên thông tin về sự xuất hiện của hoa Ưu đàm tại Khu di tích Đền thờ Đại Nam, Bình Dương. Ban đầu, chúng xuất hiện dưới hình thức “thực vật” mọc trên 5/8 chậu hoa sen nhựa đặt bên trong chánh điện của khu đền. Về sau loài hoa kỳ lạ này lại xuất hiện thêm ở nhiều bức tường của khu đền. Điều kỳ lạ là gần như ngay sau đó, người ta phát hiện Hoa Ưu đàm dưới hình thức “hóa thạch” (hoa đá) mọc ngay trên viên đá phong thủy của ông Huỳnh Uy Dũng, chủ Khu du lịch Đại Nam, Bình Dương, ngay trước ngày khai trương Khu Du lịch rộng đến 9 ha. (Mùng 5 tháng 5 ÂL, 2013)…

Hoa Ưu đàm dạng đá, xuất hiện tại Nhà riêng ông Huỳnh Uy Dũng,
Chủ Khu Du lịch Đại Nam, Bình Phước, năm 2013 (ảnh Internet)
      Bản chất khoa học của loài hoa thiêng là gì?
     Như vậy, sự xuất hiện của “Hoa Ưu đàm” tại Việt Nam và trên thế giới được dẫn ra trên đây theo 2 thể rõ rệt: Dạng thực vật và dạng… đá (hóa thạch). Sau các sự kiện đó, giới khoa học đã tìm cách lý giải, dưới ánh sáng của khoa học về các “sự kiện linh thiêng đi kèm với sư xuất hiện của Hoa Ưu đàm”. Trước hết, nói về loài Hoa Ưu đàm dạng đá hóa thạch. Theo một số tài liệu về đá phong thủy, bản chất của Hoa Đá Ưu Đàm (dạng đá) là một dạng của muối cac-bo-nat. Calcite và aragonite là 2 dòng đá thường gặp trong tự nhiên nhất, thành phần hóa học tự nhiên chủ yếu là CaCO3, ít có sự pha tạp. Cấu trúc tinh thể của Calcite và Aragonite là không giống nhau, tạo nên những hình dạng đá khác nhau, tuy nhiên nếu phóng to tinh thể hoa ưu đàm ta có thể nhìn thấy rất rõ sự tương tự giữa 2 loại tinh thể này. Đây cũng là một loại tinh thể có dạng lục giác (giống như đá thạch anh). Còn Hoa ưu đàm dạng thực vật thì theo GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, (phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây chỉ là một loài nấm nhầy, một dạng sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô...
     Tuy nhiên, dù có lý giải bằng cách nào đi nữa, sự xuất hiện của "Hoa Ưu đàm" trong đời sống con người, cả trong lĩnh vực tâm linh và tự nhiên nói trên cũng đã mang lại những điều thú vị, hiếm thấy. Mà trong Nghệ thuật, cái sự “thú vị, hiếm thấy” đó, không hiếm khi lại là tác nhân để làm nên những tác phẩm giá trị, thậm chí rất giá trị... (*)
      
      Hoa ưu đàm  ở… Nhà Dị Nhân
     


Trong một dịp rất tình cờ, mà cũng có thể gọi là may mắn, như chính quan niệm về những lần xuất hiện của Hoa Ưu đàm trong đời sống, Nhà Dị được sở hữu một viên đá dạng can xít, trong đó có sự hiện hữu của 2 hoa bông hoa Ưu đàm đang nở. Đây là một viên can xit được khai thác tại khu vực Cao nguyên Lâm Đồng, có kích thước khoảng 10x15x20 cm, được chẻ ra, có lẽ từ một khối đá lớn hơn. Bên trong, ngay tại trung tâm của viên đá có 2 khoảng trống hình trứng liền khối, cỡ 3x4x5 cm. Điều đặc biệt là từ  một trong 2 khoảng trống này “mọc” ra 02 bông Hoa Ưu đàm màu trắng trong, khá sắc nét. Khoảng trống còn lại bên dưới có một cái “nụ” rất bé. Có lẽ đang còn trong giai đoạn hình thành…
      Với sự xuất hiện của Bộ Hoa Ưu đàm trên kệ Nhà Dị Nhân, ngay trước ngày Lễ Mãn tang Mẹ, anh em nhà Dị cho rằng đây là điềm lành, báo hiệu những điều tốt đẹp và thiêng liêng cho gia đình trong thời gian tới…
      Tam Kỳ, 10/ 04/2018
       Lê Thạnh

  

1 nhận xét: