15 tháng 6, 2011

Giới thiệu về mai vàng Yên Tử

          Theo các tài liệu lịch sử, giống mai vàng Yên Tử được vua Trần Nhân Tông trồng tại Yên Tử cách đây chừng 800 năm (1285 - 1288)...


Anh: Net

Kết quả nghiên cứu bước đầu:
1. Về sự phân bố:
Sau khi tiến hành điều tra phỏng vấn thực địa trong 2 đợt (đợt 1 từ ngày 03/01/2008 đến ngày 10/01/2008, đợt 2 từ ngày 28/02/2008 đến ngày 07/03/2008), kết quả cho thấy cây Mai vàng Yên Tử không chỉ phân bố tại khu vực Yên Tử mà còn phân bố tại các vùng lân cận như khu vực rừng Bình Khê, khu vực gần thị xã Uông Bí. 
 Điều tra sơ bộ cho thấy, đa số cây Mai vàng có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên, thân gỗ lớn, chu vi gốc trung bình của các cây Mai vàng 40cm, cao từ 5 đến 7 mét, thân cành gân guốc, đa số mọc trên vách đá ở nơi có độ cao 400 đến 900 mét so với mực nước biển.   Theo thống kê có hàng nghìn cây Mai vàng tại khu vực Yên Tử, trong khi đó tại các vùng lân cận có số lượng gấp 3 lần so với ở đây.   Những cây Mai vàng tại Yên Tử có độ tuổi rất cao, dưới gốc không thấy có cây con. Mặc dù các cây Mai vàng này sinh trưởng phát triển tốt nhưng trong tương lai gần nếu không có các biện pháp nhân giống và bảo tồn thì khó có thể lưu giữ được rừng Mai vàng đẹp này.    Qua kết quả điều tra phỏng vấn thực địa, chúng tôi đã xác định được các điểm phân bố của cây Mai vàng trong vùng Yên Tử. Theo đó, cây Mai vàng Yên Tử phân bố tại các điểm sau:   - Chùa Một Mái.   - Chùa Bảo Sái.   - Chùa Vân Tiêu.   - Thác Vàng.   - Thác Bạc.   Tại các điểm này, số lượng cây Mai vàng cũng rất khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do những điều kiện về tự nhiên. Tại điểm Thác Vàng, Thác Bạc có rất nhiều cây Mai vàng sinh sống tại đây. Đây là điểm có các thác nước duy trì hầu như quanh năm nên đất được giữ ẩm. Tại các điểm khác (chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu), sự phân bố của cây Mai vàng thưa thớt hơn.   Xuất phát từ các kết quả thu được, chúng tôi tiến hành khoanh vùng phân bố cây Mai vàng Yên Tử trên bản đồ. Dựa vào bản đồ này, chúng ta có thể xác định được vùng mà trong đó có cây Mai vàng sinh sống. Từ đó có các biện pháp khoanh vùng bảo vệ cây Mai vàng. Tuy nhiên, để xác định chính xác hơn cần tiến hành các công việc cụ thể như xác định số lượng cây Mai vàng của từng điểm, xác định vị trí địa lý chính xác của từng điểm phân bố, đánh dấu các cây Mai cổ, …
Thảm thực vật tại Yên Tử (Ảnh: YENTUMAI)
2. Về đặc điểm phân loại thực vật:
a) Tên khoa học:
Để xác định chính xác tên khoa học của cây Mai vàng Yên Tử, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu (mẫu thân, lá, hoa, quả) trên cả cây Mai vàng Miền Nam và cây Mai vàng Yên Tử. Sau đó sử dụng phương pháp của Nguyễn Nghĩa Thìn để xác định tên khoa học của cây Mai vàng Yên Tử.   Kết quả của phương pháp PCR cho thấy, cây Mai vàng Yên Tử và cây Mai vàng Miền Nam thuộc cùng một loài. Theo các nghiên cứu trước đây, cây Mai vàng Miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima (Lour.) Merr.
Bảng chạy điện di (Ảnh: YENTUMAI)
Qua bảng chạy điện di trên ta thấy, khi sử dụng cặp mồi OPC2 và S239 thì các đoạn DNA của Mai vàng Yên Tử và Mai vàng Miền Nam tạo ra các đường chạy như  nhau. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định cây Mai vàng Yên Tử và cây Mai vàng Miền Nam là cùng 1 loài là Ochna integerrima (Lour.) Merr.   Phân loại thực vật cây Mai vàng Yên Tử (Mai vàng) được xác định như sau: Domain: Eukaryota Whittaker & Margulis,1978 – Eukaryotes Kingdom: Plantae Haeckel, 1866 – Plants Subkingdom: Viridaeplantae Cavalier-Smith, 1981 – Green PlantsPhylum: Tracheophyta Sinnott, 1935 ex Cavalier-Smith, 1998 – Vascular PlantsSubphylum: Spermatophytina (auct.) Cavalier-Smith, 1998 – Seed Plants Infraphylum: Angiospermae auct.Class: Magnoliopsida Brongniart, 1843 – Dicotyledons Subclass: Dilleniidae Takhtajan, 1967Superorder: Theanae Thorne ex Reveal, 1993Order: Ochnales Hutchinson ex Reveal, 1992Suborder: OchnineaeFamily: Ochnaceae (OK-nah) A.P. de Candolle, 1811 – Ochna FamilyTribe: OchneaeGenus: Ochna (OK-nah) Linnaeus, Sp. Pl. 1: 513. 1753. – OchnaSpecific epithet: integerrima (Lour.) Merr.Botanical name: Ochna integerrima (Lour.) Merr.
b) Đặc điểm thực vật:
Cây Mai vàng Yên Tử và cây Mai vàng Miền Nam thuộc cùng 1 loài. Theo Gagnepain, ở Việt Nam có 33,8 % số loài của hệ thực vật là loài di cư, trong đó có cây Mai vàng được di cư từ miền nam Trung Quốc. Nguyễn Nghĩa Thìn cũng đã khẳng định, cây Mai vàng Miền Nam có nguồn ở Đông Dương và miền nam Trung Quốc. Như vậy, cây Mai vàng Yên Tử cũng có nguồn gốc từ Đông Dương và Nam Trung Quốc.  Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng lại được phân bố tại 2 vùng có nền khí hậu rất khác nhau. Vậy, sự phân bố khác nhau này sẽ dẫn đến sự biến đổi về hình thái như thế nào?
* Đặc điểm về thân cành và lá:
Cây Mai vàng Yên Tử là tiểu mộc hoặc đại mộc nhỏ, vỏ thân xám trắng, cành non có bì khổng rất rõ, có chồi búp vào mùa bất lợi. Lá có phiến bầu dục, dài, mọc chụm ở đầu cành, cuống dài 0,3 – 0,5 cm, gân phụ rất rõ gồm 8 – 9 gân, mép lá có răng cưa. Mai vàng là cây thường xanh.
* Đặc điểm về hoa:
Qua theo dõi và quan sát, hoa của cây Mai vàng Yên Tử nở đúng vào dịp Lễ hội Yên Tử (Hội xuân Yên Tử), kéo dài từ giữa tháng 1 (Âm lịch) đến đầu tháng 3 (Âm lịch). Dịp Tết Mậu Tý 2008, do có nhiều đợt rét đậm kéo dài nên vào cuối tháng 1 (Âm lịch) hoa Mai bắt đầu mới nở và kéo dài đến cuối tháng 3 (Âm lịch).   Cây Mai vàng Yên Tử được xác định là mọc tự nhiên (có thể được trồng khi vua Trần Nhân Tông sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, cách đây chừng 800 năm). Vì vậy, hoa của cây Mai vàng Yên Tử không chịu ảnh hưởng nhiều bởi con người, đặc điểm hình thái hoa Mai vàng Yên Tử có thể coi là đặc điểm tự nhiên.
Đường kính hoa trung bình của các hoa điều tra là 4,5 cm, trong đó hoa lớn nhất có đường kính 4,9 cm, hoa nhỏ nhất có đường kính 4,3 cm. So với Mai vàng Miền nam được bán làm cảnh chơi Tết, đường kính của Mai vàng Yên Tử chỉ đạt mức trung bình và độ biến động về đường kính cũng không lớn. Điều này là do Mai vàng Yên Tử mọc trong điều kiện tự nhiên, chúng luôn phải tự bảo vệ để sinh tồn và sự tác động của tự nhiên tới chúng cũng là như nhau. Vì vậy, chúng không có sự biến đổi quá nhiều về mặt hình thái.
Về đài hoa, đài hoa của tất cả các hoa quan sát đều có màu xanh và không có sự biến động về số lượng. Qua kiểm tra ngẫu nhiên trên 30 bông hoa Mai vàng Yên Tử, tất cả đều có 5 cánh đài. Mỗi cánh đài đều có hình thon dài ( tỷ lệ CDĐTB/CRĐTB > 1) và cứng hơn so với cánh hoa (tràng hoa). Chiều dài cánh đài trung bình đạt 1,5 cm, cánh đài dài nhất 1,9 cm, cánh đài ngắn nhất 1,4 cm. Chiều rộng cánh đài trung bình 0,7 cm, lớn nhất 1,0 cm, nhỏ nhất 0,6 cm.
Số lượng cánh hoa của Mai vàng Yên Tử không có sự biến đổi, tất cả các hoa nghiên cứu đều có màu vàng và có 5 cánh hoa. Cánh hoa có hình thon dài, hơi to ở phần đầu cánh hoa. Cánh hoa khá mềm và nhanh héo sau khi ngắt hoa khỏi cành (chỉ khoảng 2 giờ). Cánh hoa có chiều dài trung bình 2,3 cm, lớn nhất 2,6 cm, nhỏ nhất 2,2 cm. Khi so sánh với kết quả nghiên cứu của tác giả Việt Chương, cánh hoa của Mai vàng Yên Tử không có sự biển đổi so với Mai vàng Miền Nam mọc tự nhiên.
Hoa mai vàng Yên Tử (Ảnh: YENTUMAI)
Nhị hoa có sự biến đổi về số lượng giữa các hoa. Trung bình số lượng nhị của các hoa nghiên cứu 36, hoa có số lượng nhị lớn nhất là 45, nhỏ nhất là 28. Có điều này có thể do vị trí khác nhau của các hoa trên cây hoặc trên các cây khác nhau. Tại các vị trí khác nhau trên cây hay trên các cây khác nhau thì điều kiện về dinh dưỡng và nước là khác nhau. Chính điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sụ hình thành và phát triển của các hoa. Vì vậy, các bộ phận của các hoa cũng bị tác động dẫn đến có sự biến đổi khác nhau.
Nhuỵ hoa khi quan sát từ bên ngoài thấy có hình ống. Khi tách và quan sát bầu nhụy trên kính hiển vi thì thấy có từ 10 lá noãn. Chiều dài trung bình của các nhuỵ 1,4 cm, lớn nhất 1,6 cm, nhỏ nhất 1,1 cm.
* Quả và hạt:
Quả Mai vàng là quả kép, bao gồm nhiều quả đơn. Quả kép Mai vàng gồm có từ 7 – 10 quả đơn, được sắp xếp thành một vòng tròn trên đế quả. Các quả đơn có màu nâu đen, vỏ quả bóng, căng và mọng.
Quả có hình giống hình bầu dục một đầu to và một đầu nhỏ, kích thước trung bình các chiều là 8 mm, 6 mm, 4 mm. Chiều dài lớn nhất của quả là 10 mm, nhỏ nhất là 7 mm; chiều rộng lớn nhất 7 mm, nhỏ nhất 5 mm; chiều dày lớn nhất 5mm, nhỏ nhất 4 mm. Như vậy, kích thước quả Mai vàng không có sự biến động lớn.
Mỗi quả đơn chỉ có 1 hạt. Hạt Mai có vỏ nhăn nheo, mỗi hạt có 2 lá mầm. Kích thước hạt cũng không có sự biến động lớn. Kích thước trung bình của các chiều là 7 mm, 5 mm, 3 mm. Chiều dài của hạt lớn nhất 9 mm, hạt nhỏ nhất 6 mm; chiều rộng của hạt lớn nhất là 6 mm, nhỏ nhất là 4 mm; chiều dày của hạt lớn nhất là 4, nhỏ nhất là 3.
Tỷ lệ nảy mầm của hạt rất cao, đạt 80 – 95 %. Điều này đảm bảo cho sự duy trì nòi giống trong tự nhiên của chúng. Trong chọn tạo và nhân giống cũng rất có ý nghĩa. Sử dụng cây con từ hạt để làm gốc ghép cho hiệu suất nhân giống cao.
KS. YENTUMAI
(Theo: Hoavacaycanh.com)

Anh: Suu tam tu Net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét