Nhà nước phong kiến thời Nguyễn sau gần 150 năm tồn tại đã để lại trên đất Thần kinh một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Trong đó, không thể không nhắc đến những sản phẩm pháp lam là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Tuy nhiên, đã bị thất truyền về kỹ thuật chế tác từ hơn một thế kỷ qua và hiện nay ngành kỹ nghệ này đang được nỗ lực phục chế.
Pháp lam là một thuật ngữ để gọi tên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác bằng cách tráng men nhiều màu lên bề mặt một số kim loại quý như vàng, bạc, đồng... Pháp lam xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Pháp lam được xem là một báu vật quí hiếm, sang trọng dùng để trang trí trong cung điện, tôn miếu uy nghiêm. Do chỉ được sử dụng trong hoàng cung Huế nên thuật ngữ pháp lam Huế dùng để chỉ cho kỹ thuật chế tác pháp lam ở Việt Nam. Pháp lam Huế có mặt ở các triều đại vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dùng để trang trí ở những nơi như điện Thái Hòa (Đại nội Huế), điện Hòa Khiêm (làng Tự Đức), điện Biểu Đức (làng Thiệu Trị) hoặc làm đồ dùng trong cung như: bình hoa, bát, tô, ly, khay, đĩa, chum, hộp trầu... hay đồ tế lễ, thờ tự như: lư trầm, bát hương, quả bồng... Ngoài ra, pháp lam còn được dùng để trang trí các họa tiết hoa văn, bát bửu, thơ văn chữ Hán... trên các công trình kiến trúc ở cố đô Huế.
Để tìm hiểu thêm về pháp lam Huế, chúng tôi tìm đến nhà sưu tập (NST) cổ vật Nguyễn Tin, hội viên Hội Cổ vật TPHCM. Trong căn nhà ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, bên cạnh các vật sưu tập quý hiếm khác, NST Nguyễn Tin đã dành một vị trí trang trọng để trưng bày bộ sưu tập pháp lam Huế. Đó là các sản phẩm pháp lam sử dụng trong cung đình Huế và các dụng cụ thờ phụng, nổi bật trong bộ sưu tập là các bình hoa, chậu trồng cây cành vàng lá ngọc, quả bồng, chén đựng nước cúng hiệu đề Minh Mạng... Điều đáng lưu ý nhất là hầu hết các sản phẩm pháp lam mà anh sưu tập đều được mua tại Pháp (Ông Tin có khoảng thời gian du học tại Pháp - NV).
Theo nhận xét của ông Tin, pháp lam bao gồm 4 loại: Kháp ti pháp lam, sản phẩm chế tác bằng cách dùng những sợi tơ đồng mảnh và nhỏ kết thành các họa tiết gắn lên cốt bằng đồng, sau đó đổ đầy men pháp lam nhiều màu lên các ô trang trí rồi đưa vào nung nhiều lần, loại pháp lam này thường thấy ở Trung Quốc. Tam thai pháp lam, phương pháp chế tác giống Kháp ti pháp lam, chỉ khác chỗ hoa văn tô điểm bên ngoài. Thấu minh pháp lam, chỉ tráng men pháp lam trong suốt lên cốt bằng vàng, bạc, đồng sau khi được chạm nổi hay khắc chìm, rồi đem nung, loại sản phẩm pháp lam này được áp dụng nhiều ở Nhật Bản và các nước phương Tây. Khác với Trung Quốc hay Nhật Bản, pháp lam Huế được chế tác theo phong cách Họa pháp lam, là kỹ thuật dùng men pháp lam một hay nhiều màu vẽ các họa tiết lên cốt kim loại, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao. Đây cũng là nét đặc trưng của pháp lam Huế.
Theo các tài liệu, thư tịch và hiện vật pháp lam ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, cũng như trên các công trình kiến trúc thời Nguyễn cho thấy, kỹ nghệ chế tác pháp lam thời bấy giờ được các nghệ nhân Việt Nam tiếp thu, sáng tạo, làm nên những sản phẩm tuyệt mỹ. Để thực hiện công việc lớn lao này, nhiều nghệ nhân được cử đi học nghề ở Trung Quốc. Có thể nói, sự xuất hiện của pháp lam Huế là dấu ấn buổi thịnh thời của triều Nguyễn. Thế nhưng, từ nửa sau thế kỷ XIX do chiến tranh xảy ra, kinh tế sa sút dẫn đến thất truyền nền kỹ nghệ đặc sắc này và từ đó pháp lam Huế không còn được quan tâm như trước.
Những năm gần đây, khi đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập thì việc phục hồi, tôn vinh các di sản văn hóa - nghệ thuật dân tộc được thể hiện rất rõ rệt. Và, pháp lam Huế hơn một thế kỷ thất truyền nay đã trở lại nhờ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đất Việt, sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm kỹ thuật chế tác pháp lam Huế cổ. Pháp lam Huế ngày nay không chỉ dừng lại ở việc chế tác loại hình pháp lam họa truyền thống nhằm phục vụ cho việc trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc thời Nguyễn mà còn đang nỗ lực kết hợp pháp lam với các ngành mỹ nghệ khác như chạm, khắc nâng sản phẩm pháp lam lên thành những tác phẩm vừa có giá trị về mặt hội họa vừa có hàm lượng nghệ thuật cao. Theo ông Tin, ngày nay pháp lam Huế được chế tác theo phương pháp truyền thống kết hợp với hiện đại.
Trên đất Việt qua bàn tay thợ Việt, những sản phẩm pháp lam Huế mang vẻ đẹp phóng khoáng, bố cục cũng thoáng hơn, phong cách thể hiện ngày càng phong phú về màu sắc, đa dạng về chủng loại. Các họa tiết hoa văn đều gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam. Dẫu pháp lam Huế xưa chỉ xuất hiện trong hơn một thế kỷ qua, nhưng ngày nay nghệ thuật chế tác pháp lam Huế đang hồi sinh, nơi mà mỗi sản phẩm đều là biểu tượng của nền văn hóa dân tộc. Mặt khác, ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất, nghề làm mỹ nghệ pháp lam đã dần cải tiến, làm phong phú thêm nghề làm pháp lam cổ truyền thuở nào và những sản phẩm pháp lam Huế xưa dần lưu vào quá khứ, nhưng qua bộ sưu tập pháp lam Huế của Nguyễn Tin đã phần nào nói lên giá trị văn hóa của một thời vang bóng của đất kinh đô xưa của nước Việt...
|
Pháp lam được dùng trang trí trên cổng Ngọ môn kinh đô Huế xưa |
|
Chén đựng nước - pháp lam hiệu đề thời Minh Mạng |
|
Quả bồng - pháp lam thời Thiệu Trị |
|
Huy hiệu - pháp lam thời Tự Đức |
|
Quán tảy (chậu rửa tay) - pháp lam thời Tự Đức |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét